Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Mai Sơn

Năm 2018, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện Mai Sơn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Trong đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng phát triển sản phẩm hàng hóa, thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; khai thác lợi thế phát triển các loại cây công nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến. Đặc biệt, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước mở rộng diện tích cây ăn quả, rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP. Kết cấu hạ tầng phục đời sống, sản xuất của nhân dân khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, thu hút nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Mô hình tưới nhỏ giọt ứng dụng theo công nghệ Israel tại xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Theo ông Cầm Mạnh Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, các chương trình, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn được triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ chuyển hướng sản xuất, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, giao thông nông thôn; phát triển các cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao...

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã chỉ đạo tập trung thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tăng năng suất, nâng cao giá trị canh tác. Năm 2018, diện tích cây lương thực có hạt 23.108 ha, sản lượng gần 98.000 tấn, giảm gần 7.700 tấn so với năm 2017. Sản lượng lương thực có hạt giảm chủ yếu do huyện vận động bà con chuyển diện tích trồng lúa nương, ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Đồng thời, duy trì diện tích cây công nghiệp, gồm 3.800 ha sắn, 55 ha chè, 4.350 ha cà phê, 6.714 ha mía, tổng sản lượng trên 550.000 tấn, đáp ứng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Diện tích cây ăn quả chất lượng cao được mở rộng theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Toàn huyện hiện có gần 6.400 ha cây ăn quả, sản lượng 11.350 tấn. Bằng các biện pháp ghép cải tạo, chọn lọc giống, ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Mai Sơn đã tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động quảng bá, cấp chỉ dẫn địa lý và công nhận nhãn hiệu cho nông sản. Đến nay, đã được cấp chứng nhận 2 mã vùng cho sản xuất xoài và nhãn tại HTX Ngọc Lan và HTX nhãn chín muộn với 28,7 ha. Bên cạnh đó, 60 HTX trồng cây ăn quả trên địa bàn là cầu nối liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân. Trong năm 2018, huyện đã xuất khẩu gần 900 tấn xoài, thanh long, nhãn, na sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc...

Chiềng Ban là một trong những xã đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện. Ngoài 1.200 ha cà phê, xã còn có 200 ha cây ăn quả chất lượng cao, gồm nhãn, xoài, cam, bưởi da xanh, trong đó hàng chục ha đã được bà con sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước và tham gia xuất khẩu. Hiện nay, Chiềng Ban đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Lĩnh vực chăn nuôi của huyện Mai Sơn cũng có bước phát triển khá toàn diện, đặc biệt là chương trình phát triển chăn nuôi đại gia súc, tăng quy mô đàn, tạo ra sự chuyển dịch đúng hướng, từng bước đưa chăn nuôi lên thành ngành chính trong nông nghiệp, tổng đàn trâu, bò hiện có gần 40.300 con; công tác thú y, phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, sản lượng thịt hơi trên 9.000 tấn.

Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Mai Sơn tập trung chỉ đạo, đôn đốc các xã thực hiện các tiêu chí, đã tổ chức khảo sát, lập dự toán và triển khai thi công 38 công trình đường giao thông nông thôn, 10 công trình nhà văn hóa bản. Đặc biệt, huyện tổ chức “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới”, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT trên địa bàn huyện tham gia giúp đỡ các xã, bản xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Năm 2018, huyện tổ chức công bố thêm xã Hát Lót và Mường Bon đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn lên 4 xã; hiện đang chỉ đạo, tập trung nguồn lực để xã Cò Nòi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019; các xã còn lại mỗi xã phấn đấu đạt thêm từ 1-2 tiêu chí trở lên.

Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Mai Sơn đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tổ chức quy hoạch vùng sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao để mở rộng thay thế diện tích cây lương thực trên đất dốc; đặc biệt là các mô hình, HTX sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới