Nông dân Sơn La trên con đường hội nhập và phát triển

Với 12 tổ chức hội cấp huyện, 199 tổ chức hội cấp xã, 2.452 chi hội, với tổng số gần 169.000 hội viên, chiếm trên 80% dân số toàn tỉnh, những năm qua, giai cấp nông dân tỉnh Sơn La đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, thế mạnh, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua.

Sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu

 

Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, nhiều nông dân trong tỉnh đã vươn lên làm giàu bằng nghị lực của bản thân, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư hàng tỷ đồng vào sản xuất, tạo phong trào thi đua sôi nổi. Điển hình như: Phong trào nhân dân tỉa cành, tạo tán, cải tạo vườn cây mận hậu tại Mộc Châu, Yên Châu (khởi nguồn của thương hiệu mận Ruby); phong trào nông dân chuyển đổi sản xuất hữu cơ ở các địa bàn đã được sản xuất vùng trồng ở Yên Châu (xoài), Mộc Châu (dâu tây), Phù Yên (cam), Sông Mã (nhãn); phong trào nông dân giảm diện tích trồng cây ngắn ngày sang trồng vùng nguyên liệu dứa cho Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO (Quỳnh Nhai 100 ha, Sông Mã 50 ha, Sốp Cộp 200 ha...).

Ngày hội hái quả Mộc Châu năm 2022.

Ảnh: Việt Anh

Cũng chính từ đó, toàn tỉnh có 28.389 hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, trong đó, 188 hộ SXKD giỏi Trung ương; 1.252 hộ SXKD giỏi cấp tỉnh; còn lại là hộ nông dân SXKD giỏi cấp huyện và cấp xã. Các hộ SXKD giỏi các cấp đã tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động; giúp đỡ vốn, giống cây trồng, vật nuôi và kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nghèo. Nhờ vậy, hàng năm có hơn 1.000 hộ nông dân thoát nghèo.

 

Nông dân bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu thu hái chè.

Tại huyện Mộc Châu, một số mô hình tiêu biểu, đang hoạt động hiệu quả hiện nay, như: Mô hình HTX hoạt động theo chuỗi “từ sản xuất đến bàn ăn” gồm khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chế biến sản phẩm, nhà hàng, du lịch sinh thái với sự tham gia của HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 với trên 200 thành viên, liên kết sản xuất cây ăn quả, cây rau theo quy trình VietGAP; HTX có một quần thể nhà hàng, nhà nghỉ nối liền với khu sản xuất, chế biến để phục vụ khách tham quan, du lịch từ đó tạo ra một hệ sinh thái khép kín. Mô hình hợp tác xã hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm rau, củ, quả an toàn, tiêu biểu có HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập, huyện Mộc Châu với việc liên kết sản xuất trên 86 ha chè với 350 hộ sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo việc làm cho trên 60 lao động thường xuyên,...

Toàn tỉnh hiện có 652 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở hội thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, toàn tỉnh đã thành lập được 24 chi hội nông dân nghề nghiệp, 68 tổ hội nông dân nghề nghiệp. Thông qua mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp thể hiện sự đổi mới phương thức tập hợp hội viên, khắc phục được phần lớn những nhược điểm, hạn chế, khó khăn, yếu kém trong sinh hoạt chi hội, tổ hội truyền thống, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Hội ngày càng vững mạnh.

Mô hình trồng rau hữu cơ của HTX Rau an toàn bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu.

Ông Lò Văn Pản, Chi hội trưởng Chi hội nông dân nghề nghiệp, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp bản Híp, xã Chiềng Ngần, Thành phố, chia sẻ: Sau khi được thành lập, chúng tôi đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã; xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn của hợp tác xã với các doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã để triển khai sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt hiệu quả.

Nòng cốt trong phát triển nông nghiệp

Thực hiện chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy Sơn La về phát triển nông nghiệp, nhất là chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây trồng hàng năm hiệu quả kinh tế thấp, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phát huy được vai trò “trung tâm và nòng cốt” trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thể hiện rõ nét trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La ở HTX Ban Xa, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu.

Từ một tỉnh miền núi có diện tích trồng ngô lớn nhất cả nước, đến nay Sơn La đã nhanh chóng trở thành một trong những tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước, với 78.850 ha cây ăn quả. Toàn tỉnh duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; đã cấp 183 mã vùng trồng cây ăn quả với diện tích 4.701 ha xuất khẩu. Tổng sản lượng nông sản xuất khẩu năm 2021 đạt 108.483,4 tấn. Có 24 sản phẩm địa danh của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại Châu Âu và Thái Lan; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt trên 161,2 triệu USD, trong đó trên 150 triệu USD giá trị hàng hóa nông sản thực phẩm. Toàn tỉnh có 83 sản phẩm OCOP; trong đó, 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 31 sản phẩm đạt 4 sao; còn lại đạt 3 sao...

Thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Hội Nông dân các cấp đã tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn mới; cải tạo hệ thống điện và vệ sinh môi trường; tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn các chủ hộ, chủ trang trại, gia trại và hội viên thực hiện: chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao giá trị sản phẩm; vận động phát triển kinh tế tập thể (thành lập các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp); xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh,... Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân hiến 292.143m² đất, đóng góp hơn 177 tỷ đồng và 46.000 ngày công lao động để làm các công trình như đường giao thông, thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa, phòng học... Nhiều nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới đã được triển khai có quả. Đến hết năm 2021, có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 xã so với năm 2020.

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các cấp hội đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa, hàng năm đã có 121.368 hộ nông dân đăng ký, qua bình xét có 69.932 hộ được công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vận động xây dựng và duy trì đội văn nghệ ở cơ sở, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc nâng cao đời sống tinh thần của nông dân.

Đồng chí Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Hội nông dân các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên; nhân rộng và áp dụng thành công những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục có những định hướng chiến lược cho sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, dự báo thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Hướng dẫn của các tổ chức đoàn thể, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh không còn bó hẹp trong việc tự sản xuất, kinh doanh mà đã hiểu được tinh thần hội nhập và có xu hướng hội nhập, liên kết làm ăn để cùng phát triển.

 

Mô hình nuôi bò 3B của một hộ dân bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu.

Bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, các cấp hội nông dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, giúp nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống của các hội viên nông dân, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương, “Xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững”.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới