No ấm Na Lù

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, đồng bào Mông bản Na Lù, xã Phiêng Khoài (Yên Châu) đã từ một bản khó khăn, đói kém, vươn lên thành bản có cuộc sống no ấm, đủ đầy.

 

 

Đường vào bản Na Lù đã được đổ bê-tông.

 

Đã lâu mới trở lại, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy Na Lù như khoác lên mình bộ trang phục mới đa màu sắc. Con đường vào bản rực rỡ các sắc hoa xen giữa những đồi chè bát úp, thấp thoáng sau những mái nhà truyền thống của đồng bào Mông. Cùng chúng tôi bước trên con đường bê-tông mới được hoàn thành nối quốc lộ 4G với bản, anh Sồng A Mua, công an viên của xã, làm “hướng dẫn viên”, đưa chúng tôi đi thăm quan một vòng. Anh Mua bảo, khi chưa có con đường này thì bà con bản Na Lù gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại, giao thương. Khi có chủ trương làm đường bê-tông vào bản, bà con trong bản phấn khởi lắm, sẵn sàng hiến đất, chặt cây phục vụ làm đường...

 

Các hộ dân bản Na Lù là đồng bào Mông Bắc Yên, di cư sang từ cuối năm 1980. Cũng giống như nhiều bản vùng cao khác, thời kỳ đó, bà con chỉ trông vào trồng ngô và lúa nương, thu nhập thấp nên tỷ lệ đói nghèo cao. Năm 2015, Chi bộ bản vận động các hộ dân trồng cây ăn quả trên những quả đồi đã bạc màu. Nguyên Bí thư Chi bộ bản lúc đó là ông Sồng A Vàng kể: Thấy các hộ dân ngoài trung tâm xã thu nhập ổn định từ trồng cây mận, chúng tôi vận động một số hộ trong bản trồng thử, song có người phản đối, bảo trồng ngô mới no cái bụng, chứ trồng cây ăn quả thì làm sao mà no? Chi bộ vẫn quyết tâm, kiên trì vận động, gương mẫu làm trước là những đảng viên trong Chi bộ. Nhà tôi cũng trồng trước 50 cây. Khi cây mận cho thu hoạch, dù giá không quá cao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống, so ra hiệu quả hơn cây ngô vì ít chi phí công sức chăm sóc, đất lại được giữ, không bị sạt lở khi mưa đến, thế là nhiều hộ dân bắt đầu trồng cây mận xen vào nương ngô để lấy ngắn nuôi dài. Không dừng lại, Chi bộ bản Na Lù tiếp tục vận động các hộ trồng thêm cây nhãn và một số cây ăn quả khác vào các diện tích ngô, lúa nương, kết hợp nuôi gia súc, gia cầm...

 

Nhịp sống bình dị của người dân vùng cao Na Lù dường như hối hả, rộn ràng hơn khi Tết sắp đến. Lũ trẻ mặc những bộ quần áo mới chạy nhảy tung tăng quanh mấy anh chị đang ngồi gọt những quả tulu chuẩn bị chơi trong mấy ngày Tết. Trước hiên nhà, mấy thiếu nữ đang mải miết những đường thêu trên bộ váy, áo mới. Trưởng bản Sồng A Cở cho hay: Na Lù hiện có 45 hộ nhưng đã trồng gần 50 ha mận, nhãn, chanh leo, xoài, hồng giòn các loại. Cây ăn quả đang là nguồn thu nhập chính, nên câu chuyện của bà con luôn xoay quanh chủ đề bán các loại hoa quả. Họ khoe nhà Sồng A Vàng, Sồng A Lệnh thu được hơn 2 tấn mận, bán với giá 20.000 đồng/kg được khoảng 40 triệu đồng, có tiền sắm Tết. Được biết, từ bán hoa quả các loại, nhiều hộ dân trong bản thu trăm triệu đồng/năm. Thu nhập tăng đồng nghĩa với cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, 100% hộ dân có xe máy, tivi, làm nhà kiên cố, nhiều hộ còn mua máy nông cụ để phục vụ sản xuất; trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường; đặc biệt, Na Lù không có người nghiện ma túy...

 

Mời tôi về nhà ăn cơm trưa, anh Cở bảo ở đây trong ngày Tết, hầu như gia đình nào cũng mổ lợn, thịt vài con gà. Mồng 3 Tết năm nay, bản sẽ giao lưu văn nghệ, đánh tu lu, kéo co với mấy bản bên cạnh, nếu có điều kiện thì lên đây chơi Tết với bà con. 

 

Câu chuyện bình dị nhưng đủ thấy niềm vui và cuộc sống ấm no của người dân Na Lù. Dẫu biết còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng với những kết quả đạt được, Na Lù sẽ còn đổi mới và phát triển hơn nữa.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới