Niềm tự hào của những người lính giải phóng

Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Vì Văn Tuấn, tại bản Pi, xã Pi Toong (Mường La). Trong ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào Thái, ông kể về quãng thời gian gần 10 năm tham gia chiến đấu. Tháng 3/1967, chàng thanh niên Vì Văn Tuấn xung phong lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi và được phân về D27, Quân khu Tây Bắc, đóng quân tại Hát Lót. Sau thời gian huấn luyện, tháng 3/1968, ông cùng đồng đội hành quân vào Nam và trở thành một pháo thủ của Tiểu đoàn 17, Quân khu V. Năm 1974, Tiểu đoàn 17 mở rộng thành Trung đoàn 68 pháo binh thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng tham gia chiến đấu ở các chiến trường quân khu V đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những kỷ vật được ông Lò Văn Uôn (ngồi bên phải) lưu giữ cẩn thận.

 

Nhắc đến quãng thời gian này, đôi mắt ông sáng lên niềm tự hào. Ngày ấy, những người lính pháo binh như ông hành quân ra trận với khí thế hừng hực sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Đêm hành quân, ngày chiến đấu tại các trận địa. Bữa ăn đơn giản thường chỉ có nắm cơm cùng một bi đông nước để uống hoặc chỉ có củ sắn, ít rau rừng, điều kiện tắm giặt, vệ sinh cá nhân rất khó khăn. Gian khổ là thế nhưng lúc nào cũng tin tưởng vào một ngày mai tất thắng. Ông bảo, kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng có lẽ, có 2 kỷ niệm sâu sắc ông không bao giờ quên. Đó là những trận đánh tại chiến trường Bình Định, giải phóng các huyện Hoài Ân năm 1972 và  Hoài Nhơn năm 1974. Khi đó, huyện Hoài Ân là một địa bàn trọng điểm đánh phá và là vùng thí điểm kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch ở Bình Định. Rạng sáng 9/4/1972, quân ta khai hỏa tấn công Gò Loi - cứ điểm của địch án ngữ tại ngã ba Tân Thạnh (Ân Tường). Sau 20 phút chiến đấu, ta diệt gọn quân địch và hoàn toàn làm chủ trận địa. Lúc đó, đơn vị của ông được lệnh tấn công các cứ điểm quan trọng, tiêu diệt lực lượng tiếp viện, giải phóng các xã và siết chặt vòng vây quận lỵ. Sau 10 ngày chiến đấu ngoan cường, ngày 19/4/1972, huyện Hoài Ân hoàn toàn giải phóng, chiến thắng này là cơ sở để quân và dân ta tiếp tục giải phóng huyện Hoài Nhơn và phần lớn huyện Phù Mỹ, cắt đứt giao thông trên quốc lộ 1, tạo  thế và lực mới cho chiến trường Bình Định..

Đến tháng 6 năm 1974, đơn vị ông được giao nhiệm vụ kiểm pháo, đánh vào cứ điểm đèo Nhông, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Khi đó, địch đang bị thua liên tiếp ở nhiều nơi, quân ta thừa thắng liên tiếp tấn công địch. Trận đánh này, địch xác định được vị trí của quân ta nên điên cuồng bắn trả. Kết thúc trận đánh, đơn vị ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần vào đại thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước, bản thân ông bị thương do pháo của địch bắn trả. Sau ngày đất nước giải phóng, năm 1976, ông phục viên trở về công tác tại Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường La và tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ ở địa phương. 8 năm tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước là quãng thời gian thiêng liêng, quý giá và ông luôn tự hào vì điều đó.

Người thứ hai mà chúng tôi gặp là ông Lò Văn Uôn, bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong (Mường La). Ông đã bước sang tuổi 73, nhưng dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng trầm ấm. Mỗi khi nhớ đến những tháng ngày lịch sử, ông lại mang chiếc võng dù, cái ba lô và chiếc áo trấn thủ thời chiến ra ngắm nhìn.

Tháng 3 năm 1967, ông nhập ngũ vào Tiểu đoàn 27 đóng quân tại Hát Lót. Tháng 3/1968, ông hành quân vào Nam, biên chế vào ban Hậu cần, Trung đoàn 40, đảm nhận nhiều công việc từ anh nuôi, tải đạn, hộ lý cáng thương binh. Ông Uôn xúc động: Tôi nhập ngũ lúc chiến tranh ác liệt nhất, tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng suốt quãng đời binh nghiệp của mình, từng cáng không biết bao nhiêu thương binh. Lúc đó, thương binh đưa về nhiều, mỗi hộ lý, y bác sỹ có khi phải phụ trách từ 20-30 người. Chúng tôi xử lý vết thương cho thương binh rồi chuyển về hậu phương để điều trị, nhiều hôm, cả đơn vị hầu như thức trắng đêm, có người làm việc liên tục 2-3 đêm không ngủ. Khi cáng thương binh thường phải đối phó với máy bay trinh sát, tránh đạn của địch, bảo đảm an toàn cho các thương binh. Để có thể có chiến thắng lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975, biết bao đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ độc lập dân tộc. Tháng 10 năm 1977, tôi phục viên trở về quê hương và được giao gánh vác công tác xã hội tại địa phương.

Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã trôi qua 43 năm, song mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm hào hùng trên gương mặt của những người lính già ấy vẫn háo hức, tự hào. Giờ đây, các cựu binh ấy vẫn tích cực đóng góp sức mình cho sự nghiệp đổi mới của quê hương, với tâm nguyện “Dù là thời chiến hay thời bình, thì vẫn nguyện sống đúng với phẩm chất và đạo đức của người lính Cụ Hồ. Bởi chỉ có vậy, mới thấy mình là người có ích cho gia đình và xã hội”.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới