Những tấm gương thương binh tiêu biểu học và làm theo Bác

Vượt qua khó khăn, tật bệnh, trở về cuộc sống đời thường, những người Cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất “ Bộ đội Cụ Hồ”, đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Chi hội CCB thị trấn Sông Mã (Sông Mã) trao đổi kỹ thuật lai ghép nhãn. 

    Ảnh: P.V

Toàn tỉnh hiện có trên 44.000 hội viên Hội Cựu chiến binh, trong đó có 1.367 người là thương binh, 416  người là bệnh binh, 297 người nhiễm chất độc màu da cam. Phát huy phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, hàng ngàn cựu chiến binh, đặc biệt là các đối tượng thương, bệnh binh đã vượt qua khó khăn, thương tích, bệnh tật, xây dựng kinh tế bằng chính sức lao động của mình. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, họ còn tích cực tham gia các phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” do Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam phát động; phong trào “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Sơn La chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương giữ gìn, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những thương binh, bệnh binh ấy đã trở thành những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên không cam chịu đói nghèo, làm giàu hợp pháp, đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát huy phẩm chất của người lính, trở về đời thường sau nhiều năm tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc không cam chịu đói nghèo, nhiều thương, bệnh binh đã vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và xã hội. Như thương binh Phạm Đỗ Bốt, tiểu khu 10 thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn. Mang trên mình nhiều vết thương với tỉ lệ thương tật 4/4, vượt lên tất cả ông đã phát triển kinh tế vườn rừng, trồng cây ăn quả cho thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Thương binh Đặng Đình Thị, tỉ lệ thương tật 2/4, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn với mô hình chăn nuôi gia súc mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thương binh Lò Văn Sinh, tỉ lệ thương tật 1/4 trú tại xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu với mô hình gia trại, kết hợp chăn nuôi cho thu nhập mỗi năm 40 đến 50 triệu đồng. Thương binh Lò Minh Phiệng, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai. Với mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc đã vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá tại địa phương. Hợp tác xã thương binh huyện Mai Sơn do ông Đỗ Hồng Phương làm chủ nhiệm, với mô hình chăn nuôi, sản xuất, chế biến hàng hóa. Đã góp phần giải quyết cho hàng chục người lao động là thương, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, con em thương, bệnh binh có việc làm và thu nhập ổn định.

Trong những tấm gương tiêu biểu đó phải nói đến Cựu chiến binh, bệnh binh Lò Văn Lệt. Bệnh binh hạng 2/3, tỷ lệ thương tật 61%; Hiện nay ở tại bản Phiêng Pẻn, xã Mường Hung, huyện Sông Mã. Năm 1980, tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc ông Lệt bị sức ép của đạn pháo. Sau nhiều năm chiến đấu ngoài chiến trường, trở về quê hương với thương tật 2/3 làm cho sức khỏe giảm sút, cuộc sống gia đình ông lúc đó rất khó khăn, không trông chờ ỷ lại vào chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Những năm 1981, 1982 kinh tế còn rất khó khăn, với một anh lính xuất ngũ trở về 2 bàn tay trắng lại càng khó khăn hơn. Ông học cách nuôi hươu sao để phát triển kinh tế, mặc dù mô hình mới phát triển nguồn thu nhập còn khiêm tốn, nhưng với bản lĩnh của anh Bộ đội Cụ Hồ ông đã cố gắng hết sức vừa tham gia công tác xã hội vừa làm việc nhà vừa chăn nuôi hươu. Với số vốn ít ỏi ban đầu gia đình ông mua 04 con hươu sao có 02 con đực và 02 con cái, đến năm 2017 tổng đàn hươu có 41 con to, nhỏ trong đó có 11 con để cắt nhung và 13 con đang sinh sản; đến năm 2017, gia đình ông bán 14 cặp nhung và 2 con hươu sao giống, tổng thu nhập cả năm là 249.700.000 đồng. Hiện nay gia đình ông có cuộc sống ổn định và đã nuôi được các con học tập tại các trường của tỉnh và trung ương.

Nếu như ông Lệt là tấm gương của bệnh binh giàu nghị lực vươn lên thoát nghèo thì Công ty cổ phần thương binh 30/4, (phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La) lại là một tập thể thương binh điển hình cho việc phát triển kinh tế theo mô hình vận tải hành khách. Thành lập năm 1992, sau 26 năm đi vào hoạt động, thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, Hội đồng quản trị Công ty đã họp bàn cùng các cổ đông, góp thêm vốn và liên doanh, liên kết để tăng số lượng đầu xe, mở thêm các luồng tuyến liên tỉnh và nội tỉnh. Hiện nay, Công ty đã có gần 30 đầu xe hoạt động phục vụ 4 tuyến liên tỉnh và 5 tuyến nội tỉnh. Đặc biệt vào những ngày lễ, tết Công ty chủ động giảm giá vé cho đối tượng chính sách, người già và học sinh; trung bình, mỗi năm công ty vận chuyển 60 nghìn lượt khách; doanh thu hàng năm đạt từ 12-15 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 1 tỷ đồng. Không chỉ vậy, hằng năm, Công ty đều trích quỹ phúc lợi 30-50 triệu đồng giúp đỡ các cháu mồ côi và đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Với những hoạt động nổi bật trong kinh doanh, năm 2012, Công ty đã được Uỷ ban nhân dân  tỉnh công nhận là “Cơ sở sản xuất kinh doanh của thương binh”, năm 2013 được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tặng Bằng khen, năm 2014 lãnh đạo Công ty được công nhận và trao tặng Bảng vàng doanh nhân Việt Nam trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Hà Nội; Được Trung ương Hội khoa học phát triển nhân lực - nhân tài Việt Nam trao tặng danh hiệu phát triển vững mạnh năm 2016.

Còn nhiều những tấm gương “Thương binh tàn nhưng không phế”, họ là những người đã, đang và sẽ tiếp bước truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng như lời Bác Hồ dạy năm xưa. Nhân tố tiếp thêm sức mạnh cho hàng ngàn thương binh, bệnh binh vượt lên hoàn cảnh, trở thành người sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Trong thời chiến, họ là những người anh hùng ngoài chiến trường, chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc. Và trong thời bình, trở về quê hương, họ tiếp tục phát huy phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ, truyền thống Cựu chiến binh “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” hăng say lao động, làm kinh tế giỏi từ chính đôi tay, đôi chân không còn nguyên vẹn của mình. Những thương binh tàn nhưng không phế đó đã trở thành tấm gương sáng góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 05-CT/TW về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay./.

Cầm Xuân Ế 
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới