Những người dân công hỏa tuyến năm xưa

Từ thành phố Sơn La, theo quốc lộ 6 chúng tôi về huyện Thuận Châu, tuyến đường này từng in dấu chân của hàng vạn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. 67 năm trôi qua, những ký ức hào hùng của những dân công hỏa tuyến vẫn in đậm trong mỗi người. Các ông, các bà đã góp phần làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ông Lường Văn Hương (phía trong bên phải), bản Lạnh, xã Tông Lạnh kể về dân công hỏa tuyến.

Tại bản Lạnh, xã Tông Lạnh chúng tôi tìm gặp ông Lường Văn Hương, dân công hỏa tuyến. Trong ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, ông Hương kể: Tháng 3/1954, ở bản Lạnh có 3 anh em chạc tuổi nhau, cùng đi dân công hỏa tuyến, gồm có tôi, ông Lò Văn Chọi và ông Quàng Văn Binh. Nhiệm vụ của mỗi người là gánh 25 - 30 kg gạo từ bản Xuân Tre đến thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng (Điện Biên). Chặng đường 15 cây số hầu hết là đêm đi ngày nghỉ và chỉ ăn cơm muối vừng, cá khô, rau tàu bay, măng rừng. Tuy là đi đêm nhưng vẫn phải ngụy trang; băng đèo, lội suối vào những đêm trăng sáng còn đỡ, những đêm mưa trời tối  người đi sau theo bước chân người đi trước, chân trần đạp lên đá tứa máu. Gian nan, vất vả nhưng không ai muốn mình tụt lại phía sau, ai nấy đều cố gắng với tinh thần tất cả cho bộ đội tiền tuyến ăn no, đánh thắng giặc thù.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hương trở về địa phương, tiếp tục gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào ở địa phương. Ông nguyên là xã đội trưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh. Nghỉ hưu năm 1987, ông cùng với vợ con chăm sóc gần 1 ha cây cà phê và nuôi thêm gia súc, gia cầm phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Chúng tôi tiếp tục tìm gặp ông Lò Văn Liêm, bản Thái Cóng, xã Phổng Lăng. Những tấm Huy chương kháng chiến chống Pháp, Huân chương kháng chiến chống Mỹ, bằng khen được treo trang trọng trong ngôi nhà của ông. Ông Liêm bồi hồi nhớ lại: Năm 1952, khi tròn 18 tuổi, tôi xung phong tham gia bộ đội địa phương. Cùng thời điểm đó, đội du kích xã Hua Mường (thời bấy giờ gồm các xã Chiềng Đi, Chiềng Bôm, Chiềng Sơ, Chiềng Pha, Mường É) được thành lập theo chỉ lệnh ở trên, tôi là một trong 30 đội viên trong đội du kích Hua Mường. Ban ngày Đội du kích canh giữ cho dân bản sản xuất; tuần tra phát hiện điểm cầu, đường hỏng hóc để báo cho đơn vị sửa chữa; ban đêm tuần tra từ cầu Trắng (nay là cầu Suối Muội, xã Thôm Mòn) đến đèo Phạ Đin, nếu phát hiện máy bay địch, báo hiệu (bằng cách bắn súng) để xe ô tô của ta tắt đèn. Chúng tôi còn tham gia vận chuyển súng đạn, vũ khí, quân trang, quân dụng vào điểm tập kết ở hang Thẩm Biềng (thuộc xã Phổng Lái ngày nay).

Sau chiến thắng Điện Biên, ông Lò Văn Liêm đảm nhiệm các vị trí: Thư ký Ủy ban kháng chiến hành chính xã Chiềng Sơ (xã Phổng Lăng ngày nay); Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Chiềng Sơ, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thanh huyện Thuận Châu... Đến tháng 9/1968, ông tiếp tục tham gia vận chuyển gạo, quân trang, quân dụng cho bộ đội làm nhiệm vụ quốc tế tại tỉnh Sầm Nưa (nước CHDCND Lào). Tháng 2/1970, trở về địa phương, ông tiếp tục công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Châu cho đến khi nghỉ chế độ hưu trí vào năm 1982. Sau đó, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phổng Lăng. Trong câu chuyện, ông luôn tự hào mình là dân công hỏa tuyến, du kích địa phương, đóng góp công sức trong cuộc kháng chiến cứu nước. Ông đã được tặng Huy hiệu Đảng 60 năm, Huy chương kháng chiến chống Pháp, Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh của huyện.

Chia tay những dân công hỏa tuyến năm xưa, từng vần thơ trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu cứ hiển hiện: “... Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”... 67 năm đã trôi qua, những người như ông Hương, ông Liêm tuy không trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận, nhưng lịch sử vẫn mãi ghi công, bởi các ông đã đóng góp một phần công sức, tuổi trẻ để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới