Những khó khăn trong điều trị methadone

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở điều trị và 54 cơ sở cấp phát thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone, lũy tích từ năm 2012 đến tháng 6/2018 điều trị cho 2.731 bệnh nhân. Tuy nhiên, hiệu quả công tác điều trị chưa cao, vì vậy rất cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng giúp người nghiện từ bỏ được ma túy.

 

Bệnh nhân đến uống thuốc tại điểm cấp phát thuốc methadone xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai).

Ảnh: Mạnh Hùng

Là cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone, ngành Y tế tỉnh đã thành lập tổ công tác giúp việc triển khai điều trị methadone. Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các điểm cấp, phát thuốc methadone; hỗ trợ tư vấn, thu dung người nghiện tham gia điều trị methadone; hỗ trợ thăm khám, khởi liều điều trị và theo dõi bệnh nhân trong giai đoạn dò liều điều trị, cũng như phương pháp quản lý và cấp phát thuốc methadone tại các cơ sở. Bên cạnh đó, Sở Y tế giao chỉ tiêu điều trị methadone cho từng cơ sở y tế, đây là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ này. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các tổ chức đoàn thể cơ sở tiến hành rà soát số người nghiện ma túy để tuyên truyền, vận động họ tham gia điều trị methadone... Từ năm 2012 đến hết tháng 6 năm 2018, toàn tỉnh có 2.731 người nghiện tham gia điều trị methadone tại 13 cơ sở điều trị và 54 cơ sở cấp, phát thuốc methadonne, tuy nhiên đã có 1.315 người bỏ điều trị, 44 người tử vong. Như vậy, hiện nay có 1.372 người điều trị mathadone, bằng 22,9% so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg.

Qua rà soát cho thấy, một trong những nguyên nhân tỷ lệ người nghiện tham gia điều trị methadone đạt thấp là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động người nghiện tham gia điều trị methadone; thiếu sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc triển khai công tác điều trị. Cùng với đó, việc tuyên truyền, vận động cho người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện không thường xuyên nên chưa đủ sức thuyết phục để họ tham gia điều trị. Hơn nữa, Nghị định số 90/2016/NĐ-CP quy định người nghiện tự nguyện tham gia điều trị, nhưng lại không có chế tài bắt buộc, trong khi đó nhiều người nghiện chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích của việc điều trị methadone đối với bản thân, gia đình và xã hội. Có bệnh nhân không kiên trì trong quá trình điều trị theo quy định của việc dùng thuốc, cũng có trường hợp đến giai đoạn ổn định liều thì tự bỏ điều trị. Đặc biệt, một số người nghiện lợi dụng việc đang điều trị methadone để mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, đã bị lực lượng chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng có nhiều trường hợp, người nghiện ở vùng sâu, vùng xa không có tiền chi phí cho việc xét nghiệm, tiền khám và tiền uống thuốc hằng ngày nên bỏ điều trị. Một nguyên nhân khác cũng đáng bàn đó là, một số cán bộ đảm nhiệm công tác điều trị chưa được tập huấn nghiệp vụ, dẫn đến việc chỉ định liều điều trị không phù hợp, tư vấn không đầy đủ cho bệnh nhân, liều điều trị quá cao hoặc quá thấp nên dùng kèm hê-rô-in; hoặc không thực hiện đúng quy định của việc quản lý, cập nhật, cấp phát thuốc cho bệnh nhân...

Xác định rõ những tồn tại, khó khăn trong công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone trong thời gian qua, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh một số giải pháp để công tác điều trị methadone đạt hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho người nghiện và gia đình người nghiện hiểu rõ hơn về lợi ích của việc điều trị methadone để tự giác tham gia điều trị; tạo điều kiện cho người tham gia điều trị methadone được học nghề, giới thiệu việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc methadone, trong đó quan tâm đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho những người làm việc tại các cơ sở này... Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 4.500 người nghiện ma túy tham gia điều trị thuốc methadone.  Qua đó, giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh liên quan trong nhóm người nghiện chích ma túy và lây nhiễm từ nhóm người này ra cộng đồng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới