Những điểm sáng cho kịch bản phát triển kinh tế - xã hội

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh ta đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì phát triển sản xuất kinh doanh. Nối tiếp đà tăng trưởng kinh tế của năm 2020, bức tranh kinh tế của tỉnh ta trong năm 2021 đang được dự báo với nhiều khởi sắc.

Những kết quả đáng mừng

           

Sau giãn cách xã hội, tỉnh ta tiếp tục khai thác hiệu quả các thế mạnh, tiềm năng để phục hồi nền kinh tế, nhờ đó kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020 cơ bản ổn định, có nhiều điểm sáng, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,08%, xếp thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 12 cả nước; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,39%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,87%; khu vực dịch vụ tăng 4,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,02%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.526 tỷ đồng, bằng 104,57% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 12,95% so với năm 2019. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực, toàn tỉnh có 78.850 ha cây ăn quả (tăng 12,7% so với năm 2019), lớn thứ hai cả nước; có 196 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 72 chuỗi so với năm 2019).

Ca sản xuất của công nhân Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La tại Khu công nghiệp Mai Sơn.

Đáng chú ý là những chỉ tiêu được đánh giá đầu năm khó thực hiện nhưng tỉnh Sơn La đã hoàn thành, như: Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển với giá trị tăng thêm năm 2020 ước tăng 12,99% so với năm 2019. Vận hành hiệu quả 10 nhà máy chế biến nông sản đã đi vào hoạt động; tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH; khởi công xây dựng Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại huyện Mai Sơn; chuẩn bị các điều kiện để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa công nghệ cao của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại huyện Mộc Châu. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch từng bước được phục hồi và duy trì tăng trưởng; triển khai hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 112 triệu USD, trong đó giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt trên 104 triệu USD. Các nguồn lực đầu tư cho phát triển được thu hút mạnh mẽ với tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn năm 2020 ước đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2019. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, diện mạo từ đô thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc.

Tiếp tục đà tăng trưởng khởi sắc

Ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhận định: Tăng trưởng năm 2021 của tỉnh Sơn La dự báo sẽ diễn ra đồng đều ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; trong đó, động lực tăng trưởng chính, có khả năng tạo bứt phá nằm ở khu vực công nghiệp chế biến, dự báo có khả năng tăng trên 10% do được kỳ vọng là ngành có tiềm năng thế mạnh về vùng nguyên liệu và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm cùng với một số nhà máy chế biến đi vào hoạt động chính thức; ngành sản xuất và phân phối điện tăng trên 5% trên cơ sở dự báo các nhà máy thủy điện hoạt động ổn định, sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt khoảng 13.000 triệu KWh.  Khu vực xây dựng tăng trưởng khoảng 10,8% trên cơ sở thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm, nhất là các dự án lớn, trọng điểm.

Dự báo khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cho kết quả khả quan nhờ việc thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi và các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; bên cạnh đó là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đánh giá năm 2021, dự báo tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng 4,9%;

Khu vực dịch vụ dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2021 khoảng 8,2%. Trong đó, dự báo tất cả các ngành trong khu vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm trước; nhất là hoạt động xuất khẩu với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh có tiềm năng, lợi thế. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp dự kiến tăng 6%, cao hơn 0,48 điểm phần trăm so với mức tăng của năm 2020.

Nhiều giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu trong kịch bản tăng trưởng

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, huy động và thu hút các nguồn lực, đảm bảo các cân đối cho đầu tư phát triển, theo ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì tỉnh Sơn La sẽ tập trung hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh, bổ sung kịp thời các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành đáp ứng nhu cầu phát triển. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, hình thành cơ cấu đầu tư công hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, có biện pháp quản lý dự án khởi công mới. Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, công nghệ cao; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La.

Ca sản xuất tại Công ty TNHH Thanh Nhung tại Khu công nghiệp Mai Sơn

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện, nội dung tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2021. Phấn đấu huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh của các thành phần kinh tế. Tăng cường đối thoại, trao đổi và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông đang ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, thuận lợi… Việc thu hút các nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới