Nhộn nhịp đơn hàng may xuất khẩu

Phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19, các nhà máy may trong tỉnh đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu, thu hút hàng trăm công nhân trở lại làm việc ổn định. Không khí thi đua lao động sản xuất nhộn nhịp đã đáp ứng tiến độ bàn giao sản phẩm các đơn hàng xuất khẩu trong năm.

Công ty cổ phần May Sơn La, hiện có hai cơ sở sản xuất tại tiểu khu 5, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La và tổ 3, phường Chiềng Sinh, Thành phố. Những ngày này, không khí lao động khá nhộn nhịp, hàng trăm công nhân đảm nhận vị trí các dây chuyền hăng say thi đua lao động hoàn thành các đơn hàng sớm nhất. Chị Ngô Thị Thúy, Giám đốc Công ty cổ phần May Sơn La, cho biết: Ngay từ đầu năm, Công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch, tuyển dụng lao động và phát động phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh giữa các tổ, chuyền. Mọi năm, đơn hàng đến “nhỏ giọt”, thì năm nay, Công ty đã ký hợp đồng ngay từ đầu năm với các đối tác từ thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật.

Công ty cổ phần May Sơn La đang giải quyết việc làm cho 400 lao động địa phương

Hiện nay, Công ty cổ phần May Sơn La đang giải quyết việc làm cho 400 lao động địa phương. Đến hết tháng 6, Công ty đã xuất khẩu hơn 200.000 sản phẩm quần, áo, váy ra thị trường nước ngoài. Chị Hoàng Thị Hương, công nhân may, chia sẻ: Có nhiều đơn hàng giúp công nhân có việc làm thường xuyên và thu nhập cao hơn. Hiện nay, mức lương của công nhân đạt 5-6 triệu đồng/tháng. Được làm việc ngay gần nhà đã giúp tôi vừa tiết kiệm chi phí phải thuê nhà trọ, không phải sống xa gia đình, cuộc sống gia đình ổn định hơn. 

Công nhân Công ty cổ phần May Phù Yên hăng say lao động, sản xuất.

Tại Công ty cổ phần TNHH May Phù Yên không khí làm việc cũng diễn ra sôi động, nhiều đơn hàng số lượng lớn được triển khai. Đến hết tháng 6/2022, Công ty đã sản xuất được trên 106.300 sản phẩm, doanh thu trên 15,2 tỷ đồng, đạt mục tiêu so với kế hoạch đề ra. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Nhà máy may Phù Yên, cho biết: Nhà máy hiện có 9 dây chuyền, với công suất hàng nghìn sản phẩm/ngày, giải quyết việc làm cho 328 lao động địa phương. Thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022, Công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo phương án vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều đơn hàng đã được hợp đồng, tạo việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng.

Phục hồi sau dịch, với mục tiêu đảm bảo các đơn hàng giao cho đối tác đúng hẹn, Công ty cổ phần may Phù Yên và Công ty cổ phần may Sơn La đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và phát động phong trào thi đua lao động sản xuất tới từng tổ sản xuất. Theo dõi tiến độ sản xuất hằng ngày của tổ, đôn đốc công nhân làm việc đảm bảo theo kịp năng suất làm việc chung của Công ty; giám sát đảm bảo đạt chỉ tiêu về sản lượng chung hàng ngày; khuyến khích công nhân làm việc vượt năng suất gắn với chế độ khen thưởng, tạo cho công nhân không khí lao động chuyên nghiệp và hăng say.

Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn nhất của các công ty hiện nay là tình trạng thiếu hụt lao động. Công ty cổ phần may Sơn La hiện đang có kế hoạch mở rộng thêm xưởng may từ 9 chuyền lên 14 chuyền, tuyển dụng thêm khoảng 500 lao động trong năm nay. Công ty cổ phần May Phù Yên cũng có kế hoạch đầu tư thêm 6 chuyền may và cần tuyển dụng thêm khoảng 200 lao động địa phương, phấn đấu 6 tháng cuối năm sản xuất trên 159.400 sản phẩm, doanh thu trên 22,8 tỷ đồng.

Ca sản xuất của công nhân cơ sở 1 Công ty cổ phần May Sơn La  

Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La, cho biết: Trên địa bàn tỉnh Sơn La mới có 2 nhà máy may, với trên 700 lao động. Đây cũng là một trong những lĩnh vực mà tỉnh Sơn La chú trọng thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu ngân sách địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Những nỗ lực trong việc tìm kiếm, duy trì đối tác, nguồn hàng của các doanh nghiệp may mặc không chỉ giúp các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo ổn định và phát triển, còn tạo cơ hội chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân. May mặc cũng là lĩnh vực được tỉnh chú trọng, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần giải quyết bài toán “ly nông không ly hương”, tăng thu ngân sách địa phương.

Quỳnh Ngọc - Minh Thu

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới