Nhiều mô hình "dân vận khéo" của Hội LHPN Mai Sơn

Thời gian qua, mô hình “dân vận khéo” được các cấp hội phụ nữ của huyện Mai Sơn triển khai hiệu quả, gắn với điều kiện thực tế của từng cơ sở, từ cách thức phát triển kinh tế, đến việc chăm sóc gia đình hạnh phúc được chị em truyền nhau kinh nghiệm, trao đổi các kỹ năng trong quá trình thực hiện.

 

Mô hình trồng cây ăn quả của hội viên Nguyễn Thị Thới, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban.

 

Đến nay, Hội LHPN huyện Mai Sơn đã xây dựng 31 mô hình “dân vận khéo” (25 mô hình tập thể, 6 mô hình cá nhân) trên tất cả các lĩnh vực, gồm: 15 mô hình phát triển kinh tế, 5 mô hình lĩnh vực văn hóa xã hội, 5 mô hình đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và 6 mô hình vận động phụ nữ tham gia tổ chức hội. Nét nổi bật là, triển khai đăng ký mô hình “dân vận khéo”, các cơ sở hội đã bám sát các nội dung phong trào thi đua của hội, đổi mới phương pháp vận động quần chúng, góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; giảm thiểu tệ nạn xã hội; phát huy tinh thần tự quản và ý thức cộng đồng của nhân dân, xây dựng bản, tiểu khu văn hóa; dần loại bỏ các tập tục lạc hậu; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên.

 

Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, Hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hội phụ nữ các xã, thị trấn hướng dẫn triển khai phong trào thi đua “dân vận khéo”, gắn với xây dựng bản, tiểu khu văn hóa; chương trình xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, góp phần nâng cao ý thức tập thể, cộng đồng, ý thức về hoạt động phong trào hội và trách nhiệm với gia đình. Hiện, các hội cơ sở đã duy trì 12 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, 4 câu lạc bộ “đồng cảm”; 3 câu lạc bộ “Chi hội phụ nữ không có hội viên, chồng, con nghiện ma tuý, vi phạm pháp luật”; 1 câu lạc bộ “Chi hội phụ nữ vận động hội viên, chồng, con người thân cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện”, với tổng số gần 1.000 thành viên tham gia tập trung tại các xã: Chiềng Mai, Chiềng Mung, Mường Bon và thị trấn Hát Lót.

 

Để giúp hội viên phát triển kinh tế, các cơ sở hội đã thực hiện tốt hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho trên 4.280 hội viên nghèo vay 125 tỷ đồng phát triển sản xuất; phối hợp với Agribank Mai Sơn cho 473 hộ vay trên 50 tỷ đồng theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, Hội còn phát động phong trào thi đua “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, thu hút hơn 22.400 hội viên tham gia, tiết kiệm được trên 3 tỷ đồng, giúp 3.081 lượt hội viên vay phát triển kinh tế gia đình. Vận động cán bộ, hội viên thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, các cơ sở hội trong toàn huyện đã xây dựng 45 mô hình phát triển kinh tế; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, như: Mô hình kinh doanh, chăn nuôi, trồng cây ăn quả ở xã Hát Lót, Mường Bon, Cò Còi, Chiềng Mung, Nà Bó; mô hình trồng cây cà phê ở xã Chiềng Ban; mô hình trồng cây sơn tra, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi đại gia súc ở các xã vùng cao: Nà Ớt, Phiêng Cằm, Phiêng Pằn, Tà Hộc; mô hình trồng ngô lai ở xã Chiềng Sung.

 

Một trong những điển hình xây dựng các mô hình “dân vận khéo” trong phát triển kinh tế là Hội phụ nữ xã Chiềng Ban. Phát huy vai trò “đầu tầu, gương mẫu” của các chi hội trưởng trong công tác điều hành và vận động hội viên; tuyên truyền, quán triệt, triển khai, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về công tác dân vận và phong trào thi đua “dân vận khéo”; vận động hội viên đăng ký tham gia các mô hình “dân vận khéo” phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng địa bàn, tạo sức lan tỏa sâu rộng tới các bản. Đến nay, Hội Phụ nữ xã đã xây dựng được 1 mô hình tập thể dân vận khéo phát triển kinh tế tại bản Hoa Mai, với gần 40 hộ trồng 25 ha cây ăn quả, thu nhập gần 200 triệu đồng/ha/năm; 1 mô hình gia đình “5 không 3 sạch; 1 mô hình đảm bảo an ninh trật tự. Trong đó phải kể đến mô hình điểm về dân vận khéo trong phát triển kinh tế của hội viên Nguyễn Thị Thới, bản Hoa Mai, với 3 ha cây ăn quả, cho thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm, được Hội Phụ nữ xã chọn để tuyên truyền, vận động các hội viên làm theo; góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua của hội viên phụ nữ trong giải quyết lao động, phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 

Với những việc làm cụ thể, thiết thực, mô hình “dân vận khéo” của các cấp hội LHPN trên địa bàn huyện Mai Sơn đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của phụ nữ, qua đó, phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh trong hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư, tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới