Nhiều giải pháp thu nợ thuế

Thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế, ngành Thuế tỉnh Sơn La đã rà soát hồ sơ và thực hiện ban hành quyết định khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 471 trường hợp với số tiền khoanh nợ là 148,207 tỷ đồng.

 

Cán bộ Cục Thuế tỉnh giải quyết thủ tục nộp thuế cho các tổ chức, cá nhân.

 

Triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý nợ thuế năm 2020 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như tác động bởi biến đổi khí hậu làm các nhà máy thủy điện trên địa bàn đều phát điện không đạt kế hoạch được giao; dịch bệnh COVID-19 làm nhiều doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải tạm ngừng kinh doanh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu việc làm... Song, với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của ngành về công tác quản lý nợ, thu hồi nợ đọng, triển khai các biện pháp xử lý nợ đọng thuế theo quy định như: Phân loại nợ thuế theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế, để phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ và gắn trách nhiệm của từng công chức được giao nhiệm vụ quản lý nợ trong việc phân loại tiền thuế nợ. Đồng thời, nắm chính xác số người nợ thuế, số thuế nợ đọng cũng như nguyên nhân nợ thuế để áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp đối với từng nhóm nợ, khoản nợ; hàng tháng thống kê, rà soát những đơn vị, cá nhân có số thuế nợ lớn trên địa bàn, đề xuất giải pháp thu nợ cụ thể đối với từng đối tượng, kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc với UBND tỉnh, Tổng cục Thuế để có biện pháp thu hồi nợ thuế.

 

Trong năm 2020, Cục Thuế đã ban hành thông báo nộp tiền thuế nợ, tiền chậm nộp gửi đến từng doanh nghiệp, người nộp thuế để đôn đốc thu tiền thuế nợ, tiền chậm nộp thuế; thực hiện công khai thông tin 2.322 lượt người nộp thuế chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật; ban hành 502 lượt quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và 44 lượt quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, với tổng số tiền cưỡng chế trên 229 tỷ đồng; giải quyết kịp thời, đúng quy định các hồ sơ gia hạn nộp thuế, xóa nợ, nộp dần tiền thuế, không tính tiền chậm nộp; xử lý dứt điểm các khoản nợ đang chờ điều chỉnh còn tồn đọng trên địa bàn; lập thủ tục, hồ sơ xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với những người nộp thuế thuộc các trường hợp xóa nợ đã được quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bằng các giải pháp tích cực trên, cùng với tinh thần trách nhiệm cao của công chức làm công tác quản lý nợ, kết quả thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh tính đến 31/12/2020 thu được trên 365 tỷ đồng, tăng 6,7% so cùng kỳ năm 2019.

 

Năm 2021, để hoàn thành dự toán thu Bộ Tài chính giao 3.535 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao 4.100 tỷ đồng, toàn ngành Thuế quyết tâm phấn đấu và đưa ra một số giải pháp trọng tâm, như: Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về công tác điều hành thu ngân sách;  triển khai Luật Quản lý Thuế, các chính sách thuế mới có hiệu lực trong năm 2021, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và các huyện ủy, thành ủy, UBND huyện, thành phố trong công tác chỉ đạo, điều hành thu ngân sách trên địa bàn. Các phòng thanh tra, kiểm tra thuế; các Chi cục Thuế khu vực trên cơ sở nhiệm vụ thu ngân sách được giao rà soát, xây dựng kế hoạch thu theo tiến độ từng tháng để tổ chức thực hiện. Đảm bảo bao quát nguồn thu, quản lý 100% người nộp thuế, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí phát sinh, không phát sinh nợ thuế mới. Giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng đơn vị, gắn trách nhiệm thu với người đứng đầu các đơn vị, từng công chức đối với từng doanh nghiệp để thu hồi kịp thời số tiền nợ đọng thuế vào NSNN. Chỉ đạo, giám sát việc phân loại tiền thuế nợ, theo các tiêu chí phân tích nợ thuế, phản ánh đúng tính chất của khoản tiền thuế nợ. Theo dõi chặt chẽ tình hình nợ thuế trên địa bàn để kịp thời tham mưu, chỉ đạo các Chi cục Thuế thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế.

 

Đồng thời, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo ngành, kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh, giải quyết khoanh nợ, xử lý nợ tiền chậm nộp cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người nộp thuế đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả, kịp thời nộp thuế, từ đó giảm nợ đọng thuế.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới