Nhãn VietGAP ở Lóng Phiêng

Trong câu chuyện về nông sản Sơn La năm nay được mùa, anh bạn đồng nghiệp nói rằng, thời điểm này về Lóng Phiêng (Yên Châu) sẽ được chứng kiến những đồi nhãn rộng ngút tầm mắt, những chùm nhãn sai trĩu quả sản xuất theo quy trình VietGAP đang vào độ chín, tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, chủ đạo là màu vàng của quả nhãn. Thông tin này khiến chúng tôi thêm háo hức về Lóng Phiêng để được thưởng ngoạn bức tranh nông thôn mới ở vùng quê biên giới.

Anh Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu) kiểm tra chất lượng nhãn. 

Do đã hẹn trước nên anh Trần Như Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng - người đầu tiên thực hiện quy trình sản xuất nhãn VietGAP tại Lóng Phiêng đưa chúng tôi đi “thực mục sở thị” tại các đồi nhãn của thành viên hợp tác xã với 60/80 ha được trồng theo quy trình VietGAP. Được biết, nhãn của HTX đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và siêu thị tại các tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa... Dù đã được thông tin trước, nhưng quả thật khó mà tưởng tượng được bức tranh thiên nhiên này lại đẹp đến vậy. Đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống, bản Pha Cúng nằm trong một thung lũng, xung quanh các ngôi nhà là vườn cây ăn quả, phóng tầm mắt ra xa là những sườn đồi trồng nhãn, nổi bật lên màu vàng của những chùm quả chín. Điều chúng tôi cảm nhận trước tiên khi bước chân vào vườn nhãn đó là, các cây nhãn cách nhau gần chục mét, cành xòe rộng, sai trĩu quả, có chùm quả nặng cỡ khoảng 4 kg; toàn bộ vạt đồi khá sạch cỏ, lớp đất tơi xốp. Anh Kiên nói: Sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP chủ yếu sử dụng phân hữu cơ bón cho cây. Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu và tự sản xuất phân hữu cơ từ nguồn phế thải nông nghiệp trên địa bàn, như: Lõi ngô, chất thải chăn nuôi, mùn, mày ngô, trộn cùng với chế phẩm sinh học rồi ủ thành đống, lấy bạt đậy kín khoảng 60-80 ngày, khi có độ tơi xốp, không có mùi hôi sẽ mang đi bón cho cây nhãn. Tuy nhiên, để giữ được phân trước khi bón phải cuốc tạo lớp bờ xung quanh cây nhãn. Điều đặc biệt là sử dụng loại phân này đất rất tơi xốp, giữ được nước nên cây nhãn sinh trưởng, phát triển tốt.

Có lẽ do khơi đúng tâm huyết của anh Kiên về việc sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP nên câu chuyện về lĩnh vực này dường như không dứt. Anh say sưa nói với chúng tôi về sự hơn hẳn của việc trồng nhãn VietGAP so với trồng nhãn truyền thống, cứ như thể đang thuyết phục bà con trong bản làm theo mình để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác. Câu chuyện sản xuất nhãn VietGAP nơi đây được bắt đầu từ suy nghĩ của anh Kiên về nhu cầu sản phẩm nông sản sạch ngày càng cao, vì vậy anh đã học hỏi kỹ thuật trên báo, trên ti vi và các trang mạng intenet rồi quyết định sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP. Bước vào thực hiện, anh Kiên vận động 1 thành viên HTX cùng làm với quy mô 7 ha. Gắn bó với bản Pha Cúng, nơi mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí hạn chế, để thay đổi tập quán sản xuất chỉ có cách duy nhất là lấy hiệu quả kinh tế để thuyết phục. Vì vậy, sau vụ nhãn đầu tiên sản xuất theo quy trình VietGAP, năng suất đạt 13-15 tấn quả/ha, được thương lái thu mua tại vườn với giá bình quân 18.000 đồng/kg, anh Kiên đã họp các thành viên để tuyên truyền các hộ cùng làm. Mỗi năm diện tích nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP lại tăng lên, riêng vụ nhãn năm nay các thành viên HTX Phương Nam, cũng là những người dân bản Pha Cúng đã có 60 ha nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP. Và điều mừng nữa là, HTX đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, sơ chế quả an toàn. 

Trò chuyện với anh Kiên, tôi hiểu nôm na rằng, trồng nhãn VietGAP là trong sản xuất cần tuân thủ nghiêm túc các quy trình kỹ thuật từ việc vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, bón phân, tưới đủ nước cho cây, chủ yếu sử dụng côn trùng thiên địch, các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng... Để cây đạt năng suất cao, khoảng cuối tháng 11 âm lịch, khi cây chuẩn bị ra hoa, cần theo dõi sát thời tiết nông vụ điều tiết thời điểm ra hoa. Việc điều tiết cây ra hoa thường có 3 phương pháp: Phun thuốc hãm lộc; khoanh cành và tưới thuốc hóa học vào gốc. Song thực hiện sản xuất VietGAP thì khoanh cành là phương pháp tối ưu, vì sẽ không có thuốc hóa học tồn dư ở đất, ở cây. Khi thực hiện 2/3 số cành trên một cây được khoanh lại, sau khoảng 10-15 ngày phun cho cây một loại chế phẩm sinh học giúp cây ra hoa đồng loạt. Từ khi cây ra  hoa tạo quả, thường xuyên bám sát vườn cây kịp thời phát hiện sâu bệnh, ngăn chặn bệnh lây lan và cắt tỉa những chùm ít quả với mục đích cành đó vụ năm sau sẽ ra sai quả. Sau 1 tháng tạo quả, tiếp tục cắt tỉa những cành ít quả để chồi nhãn phát triển, vì như vậy sẽ hút được nhiều chất dinh dưỡng từ gốc, quả sẽ to, mẫu mã đẹp, năng suất cao, chất lượng quả tốt...

Chúng tôi dừng chân tại vườn đồi nhãn của gia đình anh Nguyễn Đức Xuân, thành viên HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng. Anh Xuân đang kiểm tra độ chín của các chùm nhãn để chuẩn bị thu hoạch, niềm vui được mùa nhãn hiện rõ trên gương mặt rắn rỏi của người nông dân này.

Cởi mở, thân tình như những người bạn lâu ngày gặp lại, anh Xuân khoe: Gia đình tôi có 17 ha nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP, sản lượng từ 120-150 tấn quả/vụ, bán với giá bình quân 18.000 đồng/kg. Năm nào cũng vậy, cứ đến vụ thu hoạch là thương lái đến tận vườn thu mua, vì nhãn của chúng tôi có tem nhãn, có chỉ dẫn địa lý, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên được khách hàng ưa chuộng. Chả giấu gì phóng viên, khi mới sản xuất nhãn theo quy trình VetGAP, tôi thấy rườm rà, phức tạp, vì trong quá trình sản xuất quy trình kỹ thuật nào cũng đều ghi nhật ký. Đơn cử như việc bón phân cho cây cũng phải ghi rõ: Ngày mua, mua ở đâu, loại phân gì, số lượng mua... hay việc phun thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây cũng vậy, ghi nhật ký một cách cụ thể, chi tiết. Việc làm này, định kỳ hoặc đột xuất được cán bộ kỹ thuật của huyện vào kiểm tra sổ sách. Dần dần việc ghi chép đã trở thành thói quen và tôi nhận thấy việc ghi nhật ký là cần thiết trong quy trình sản xuất VietGAP.

Trong cái nắng trưa tháng 8 khá gắt, dáng người nông dân - Giám đốc HTX Phương Nam Trần Như Kiên vẫn tất bật bên những cây nhãn VietGAP, thỉnh thoảng lại trả lời điện thoại của khách hàng hỏi về thời gian thu hoạch nhãn. Tôi bất chợp liên tưởng hình ảnh Anh chủ nhiệm trong bài thơ cùng tên của tác giả Hoàng Trung Thông: “...Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh/Vẽ cả ngày mai thành bức tranh” - bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp do những vườn nhãn VietGAP tạo nên mang dấu ấn của cuộc sống no ấm, chứa đựng biết bao tâm huyết của những người như anh Kiên, anh Xuân, các thành viên HTX Phương Nam và của nhân dân xã Lóng Phiêng trên con đường hội nhập kinh tế.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới