Nhãn Sông Mã vươn ra thế giới

Theo người dân địa phương, nguồn gốc cây nhãn trồng ở Sông Mã hiện nay là giống nhãn lồng Hưng Yên, được người dân mang lên trồng từ thập niên 60 của thế kỷ XX. Ngày đó, cây nhãn được trồng chủ yếu ở các bản ven 2 bờ sông Mã thuộc xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong, nơi có người dân Hưng Yên sinh sống. Nếu như trước đây, trồng nhãn chỉ mang tính chất tự phát, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, phần do việc chăm sóc chưa tốt, chưa đầu tư đúng kỹ thuật, phần do giống cũ thoái hóa, quả nhỏ nên có nơi bà con chặt bỏ nhiều. Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, Sông Mã đã tập trung phát triển cây ăn quả, trong đó, nhãn là một trong những cây đột phá để nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân. Vì vậy, cây nhãn đã được các cấp, các ngành của huyện quan tâm, người dân chú trọng đầu tư trồng ở khắp các sườn đồi, trên địa bàn 19 xã, thị trấn của huyện.

 

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh và huyện Sông Mã cắt băng xuất khẩu lô nhãn sang thị trường các nước.

 

Để phát triển cây nhãn trên địa bàn, huyện Sông Mã đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học ghép cải tạo nhãn bằng giống nhãn chín muộn Hưng Yên, giống Miền Thiết, T6 và một số giống khác có hiệu quả kinh tế cao... Cùng với đó, huyện tập trung nâng cao hiệu quả của các dự án, chương trình hỗ trợ sản xuất và công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ sản phẩm; thành lập, phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện.

 

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã thông tin: Năm 2016, huyện đẩy mạnh việc thành lập, xây dựng các HTX sản xuất nhãn an toàn theo quy trình VietGAP, khuyến khích các HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quả an toàn.  Tháng 6/2017, sản phẩm nhãn Sông Mã đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sông Mã”. Hiện nay, Sông Mã có 6.736 ha  nhãn, trong đó gần 5.000 ha nhãn ghép (là địa phương có diện tích nhãn lớn nhất cả nước); có 17 HTX, với 318 ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GobalGAP, Oganic, sử dụng nước sạch để tưới cây, bón phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; gần 23 ha được cấp mã vùng trồng nhãn xuất khẩu. Năm 2018, sản lượng đạt trên 40.000 tấn quả, trong đó xuất khẩu hơn 3.000 tấn nhãn quả tươi ra nước ngoài; năm 2019 xuất khẩu gần 6.000 tấn sang Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc... doanh thu đạt hàng nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nâng thu nhập bình quân năm 2019 lên hơn 20 triệu đồng/người, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% trở lên. Đặc biệt, đây là cơ hội lớn để sản phẩm nhãn Sông Mã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến với chất lượng thơm ngon, hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, là bước khởi đầu để nông sản của huyện Sông Mã tiếp tục vươn ra thị trường thế giới.

 

Chúng tôi đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong để tìm hiểu về kỹ thuật sản xuất nhãn, áp dụng theo quy trình VietGAP. Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm, trước tiên phải chọn giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, nhất là các loại nhãn ghép; xây thêm bể chứa nước trên đồi cao để dẫn nước tưới theo phương pháp nhỏ giọt để cây có đủ nước (công nghệ tưới Israel). Đồng thời, chọn các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây, nhất là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp), tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản. Đặc biệt, thực hiện sản xuất đúng quy trình VietGAP để tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhờ vậy, năng suất nhãn của HTX luôn đạt từ 18 - 20 tấn/ha, quả nhãn to, cùi dày, thơm ngon, được các hệ thống siêu thị BigC Thăng Long, Vinmart... các cửa hàng bán hoa quả lớn tại Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai tiêu thụ và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.

 

Chúng tôi tiếp tục tới HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, bản Cỏ, xã Chiềng Khương, là một trong những HTX sản xuất nhãn có uy tín, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX cho hay: Hiện nay, HTX sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP nên cây phát triển tốt, năng suất đạt 15 - 17 tấn/ha, có nơi đạt 20 tấn/ha, quả nhãn to, thơm ngon, cùi dày, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đặt hàng, tiêu thụ với số lượng lớn, giá bán cao gấp 3 - 4 lần so với khi chưa sản xuất theo quy trình VietGAP. Vụ nhãn 2019, với 41 ha nhãn ghép của 23 thành viên HTX, sản lượng đạt trên 700 tấn, doanh thu gần 18 tỷ đồng. Nhiều thành viên thu nhập từ 400- 500 triệu đồng/ha, không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Tiêu biểu như gia đình các anh: Bùi Sơn Hậu, Trần Văn Chiến, Trần Văn Phát, Nguyễn Thế Vĩnh...

 

Cây nhãn đã khẳng định được vị thế trong quá trình chuyển đổi cây trồng trên dốc ở Sông Mã, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực xây dựng quê hương phát triển.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới