Nhân rộng mô hình sản xuất thanh nhiên liệu đốt và than hoạt tính

Tỉnh ta có lợi thế để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu tập trung, quy mô lớn mang tính đặc trưng của địa phương; trong quá trình sản xuất một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp được tạo ra, tuy nhiên, chỉ số ít được tận dụng làm thức ăn cho gia súc, số còn lại bị đem làm chất đốt, hoặc bỏ lại ngoài môi trường tự nhiên gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

 

Dây chuyền sản xuất thanh nhiên liệu đốt và than hoạt tính của Công ty TNHH Năng lượng Mộc Châu xanh.

 

Vài năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ, các loại phụ phế phẩm đã được tận dụng để sản xuất thành thanh nhiên liệu đốt, than hoạt tính đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về năng lượng, thay thế chất đốt truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường.

Là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất thành công sản phẩm thanh nhiên liệu đốt và than hoạt tính ra thị trường, Công ty TNHH Năng lượng Mộc Châu Xanh, tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu hiện đang triển khai sản xuất thanh nhiên liệu đốt và than sinh học từ lõi ngô, mùn tre, trấu, mùn cưa và các phế phụ phẩm từ cây nông nghiệp khác. Công ty hợp tác chặt chẽ với vùng trồng nguyên liệu của bà con, hộ nông nghiệp trên địa bàn Mộc Châu, Yên Châu. Nhà máy được xây dựng có tổng vốn đầu tư trên 38 tỷ đồng; giai đoạn 1 (2015-2018) đã đầu tư trên 14 tỷ đồng; các hạng mục được thiết kế, xây dựng bao gồm: nhà xưởng, hệ thống trang thiết bị, dây chuyền kỹ thuật hiện đại. Sau thời gian ngắn nghiên cứu và khảo sát thị trường, đến nay, mô hình sản xuất thanh nhiên liệu đốt và than hoạt tính đã được thử nghiệm thành công và đưa vào sản xuất đại trà. Để khuyến khích doanh nghiệp, năm 2016, từ nguồn kinh phí Khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ gần 350 triệu đồng mua sắm máy móc, thiết bị.

Ông Giang Minh Thái, Phó Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Mộc Châu xanh, cho biết: Đi vào hoạt động sản xuất từ cuối năm 2016, toàn bộ việc sản xuất được thực hiện theo quy trình khép kín. Nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thanh nhiên liệu đốt và than sinh học là từ thân, lõi ngô của vùng trồng ngô ở Mộc Châu, Yên Châu; ngoài ra còn sử dụng các phế phẩm, phế liệu vỏ hạt cà phê, gỗ, nông sản khác trên địa bàn; trung bình mỗi năm công ty thu mua khoảng trên 10.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp. Các phế phẩm được xử lý qua quá trình nghiền nhỏ để trở thành mùn hỗn hợp, sàng để loại bỏ tạp chất, sau đó được chuyển qua công đoạn sấy khô và cho vào máy ép thành củi than có dạng hình ống rỗng, độ dài mỗi thanh khoảng 40 cm, trọng lượng khoảng 0,8 kg, cuối cùng được đem vào lò nung chuyển hóa thành than thành phẩm. So với các loại than khác, thanh nhiên liệu đốt và than hoạt tính có ưu điểm bắt lửa nhanh, nhiệt tỏa cao, không khói, không mùi, thời gian giữ nhiệt kéo dài từ 3 đến 5 giờ và không gây độc hại cho môi trường và người sử dụng. Về mặt kinh tế, lượng chất đốt bằng thanh nhiên liệu giảm 13% so với củi gỗ, nhiệt lượng của thanh nhiên liệu làm từ lõi ngô sấp sỉ bằng với nhiệt lượng của than đá. Sử dụng thanh nhiên liệu giúp giảm chi phí 20% so với than đá và 30% so với củi gỗ.

Bằng việc nắm bắt nhu cầu của thị trường trong việc sử dụng các loại sản phẩm chất đốt thân thiện với môi trường, công ty đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất với sản lượng cung ứng ra thị trường mỗi tháng gần 350 tấn thanh nhiên liệu đốt và 120 tấn than hoạt tính với giá bán trung bình 12.000 đồng/kg. Các sản phẩm thanh nhiên liệu đốt và than hoạt tính của công ty sau khi được sản xuất ra, chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, số còn lại được tiêu thụ trong tỉnh. Năm 2017, doanh thu của công ty đạt 8 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2017, sản phẩm than nhiên liệu ép từ lõi, thân cây ngô, phế phẩm nông nghiệp của công ty được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Mô hình sản xuất thanh nhiên liệu đốt và than hoạt tính từ phế phẩm nông nghiệp của Công ty TNHH năng lượng Mộc Châu Xanh bước đầu được đánh giá mang lại hiệu quả, phù hợp với các địa phương có nhiều nguyên liệu phế phẩm nông sản, tiết kiệm được chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, quan trọng hơn là giải quyết được vấn đề nhiên liệu đốt tại chỗ, đồng thời tạo nguồn năng lượng mới thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường. Đây là mô hình hiệu quả, cần được nghiên cứu để nhân rộng trong thời gian tới.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới