“Nhãn hiệu cộng đồng” - nâng cao khả năng cạnh tranh nông sản

Bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, đã góp phần nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh cho nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ.

Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ”.

Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu, tỉnh đã quan tâm, triển khai nhiều dự án, chương trình xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến. Hiện, toàn tỉnh phát triển 235 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; 702 HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản; 20.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP; 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ và 83 sản phẩm đạt chứng nhận an toàn thực phẩm (OCOP).

Xây dựng thương hiệu nông sản chính là “chìa khóa” mở con đường xuất khẩu từ ủy thác, tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị liên quan tham mưu trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành 5 văn bản hỗ trợ phát triển thương hiệu của tỉnh, tập trung các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như: Nhãn, cà phê, chanh leo, mận, xoài... Với sự đồng hành giúp đỡ của các nhà khoa học, các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2015-2021, tỉnh Sơn La có 24 sản phẩm nông lâm thủy sản được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó, chỉ dẫn địa lý có 3 sản phẩm; nhãn hiệu chứng nhận cho 18 sản phẩm; nhãn hiệu tập thể 3 sản phẩm.

Được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, năm 2017, sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại thị trường nước ngoài, là chè Shan tuyết Mộc Châu được bảo hộ tại thị trường Thái Lan. Tiếp đó, quả xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường châu Âu theo cam kết tại Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu có hiệu lực vào tháng 7/2020. Hết quý I năm 2022, có 238 tổ chức, cá nhân của tỉnh được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh.

Các sản phẩm sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, diện tích được mở rộng, sản lượng tăng đáng kể đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ, chất lượng sản phẩm được nâng cao, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến chế biến sản phẩm đa dạng, phong phú. Điển hình quả xoài Sơn La, sau khi xây dựng thương hiệu năm 2020, đến nay, toàn tỉnh có gần 20.000 ha xoài, diện tích cho sản phẩm 9.868 ha. Xoài Sơn La được cấp 59 mã số vùng trồng xoài xuất khẩu, với diện tích 1.377 ha, sản lượng đủ điều kiện xuất khẩu ước đạt 16.229 tấn/năm; trong đó, 14 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ và các nước khó tính với diện tích trên 111 ha, sản lượng ước đạt 1.223 tấn; 45 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với diện tích 1.266 ha sản lượng ước đạt 15.000 tấn.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đã rất khó, việc duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm còn khó khăn gấp nhiều lần. Với vai trò là cơ quan tham mưu chính cho tỉnh về lĩnh vực xây dựng thương hiệu, Sở KH&CN đã và đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai xây dựng nhãn hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh, gồm: gạo Phù Yên, thanh long Sơn La, rượu thóc Hang Chú, Bắc Yên.

Nông sản là mặt hàng chủ lực của tỉnh ta và trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; nhiều hiệp định thương mại tự do được đàm phán, ký kết và phê chuẩn, các nước trên thế giới đã và đang thiết lập trạng thái “bình thường mới”, đẩy mạnh phục hồi sản xuất, kinh doanh và thích nghi với tình hình dịch Covid-19... tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng, lợi thế, chuyển dần từ xuất khẩu ủy thác, tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.

Mục tiêu đặt ra, năm 2022, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 174 triệu USD, tăng 7,94% so với năm 2021. Nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm và bảo vệ sản phẩm trước sự cạnh tranh và những yêu cầu đặt ra, Sở KH&CN cần tiếp tục quan tâm, triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ xây dựng bảo hộ thương hiệu cộng đồng.

 

 

Một số ý kiến

Ông Lưu Bình Khiêm

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La

Tiếp tục mở rộng con đường xuất khẩu nông sản chính ngạch, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu với tỉnh triển khai dự án đăng ký bảo hộ cho 2 sản phẩm “Xoài Sơn La” và “Nhãn Sơn La” tại thị trường Trung Quốc. Đây được xem là bước đột phá của tỉnh trong việc đưa sản phẩm có thương hiệu của tỉnh xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường nước ngoài.

 

Ông Lò Văn Sinh

Chủ tịch UBND huyện Sông Mã

Huyện Sông Mã có 35 HTX, trên 560 ha nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2017, sản phẩm nhãn mang nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã” đã được xuất khẩu sang thị trường Úc. Sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận, “Nhãn Sông Mã” ngày càng khẳng định thương hiệu và uy tín trên thị trường. Hiện, đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU, Vương Quốc Anh và một số nước khác trên thế giới.

 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La

Trong 24 sản phẩm nông sản mang địa danh dùng chung cho cộng đồng của tỉnh Sơn La, có 3 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, còn lại là nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Qua rà soát, trên 50% sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể của tỉnh có đủ điều kiện đăng ký chỉ dẫn địa lý, việc đăng ký cần thiết sớm tiến hành, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân.

 

Tiến sĩ Phạm Thị Hạnh Thơ

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp

Giải pháp phát triển chuỗi liên kết nông sản mang nhãn hiệu cộng đồng mà tỉnh Sơn La cần quan tâm, gồm: Ưu tiên lựa chọn sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng tham gia chương trình OCOP; tăng cường trách nhiệm tổ chức tập thể trong phát triển nhãn hiệu cộng đồng gắn với chương trình OCOP; ứng dụng công nghệ hoàn thiện sản phẩm mang nhãn hiệu cộng đồng theo các tiêu chí sản phẩm OCOP và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; đa dạng hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; liên kết tiêu thụ và quản lý sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.

 

Luật sư Nguyễn Bá Hội

Chuyên gia tư vấn độc lập

Các sản phẩm nông nghiệp của Sơn La có đầy đủ điều kiện phát triển, mở rộng tiêu thụ ở thị trường nước ngoài. Song các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ở Sơn La nói riêng chưa đủ tiềm lực để đăng ký nhãn hiệu và mở rộng thị trường ở nước ngoài. Mong muốn tỉnh Sơn La quan tâm hơn nữa đến vấn đề đăng ký nhãn hiệu cho nông sản của tỉnh ra nước ngoài, để mở rộng thị trường tiêu thụ bền vững.

 

Bà Nguyễn Thị Bình

Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, huyện Thuận Châu

Năm 2018, HTX được UBND huyện Thuận Châu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Phổng Lái - Thuận Châu”. Năm 2019, HTX xây dựng thành công thương hiệu “Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu”. Hiện, sản phẩm chè của HTX đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, Chè Trọng Nguyên được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia, mở ra nhiều cơ hội đưa sản phẩm chè đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Minh Thu -  Duy Tùng

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới