Nhận diện và ứng xử với di sản công nghiệp

Trên thế giới, nhiều nhà máy, xí nghiệp, bến tàu, bến cảng,... qua thời gian trở nên cũ kỹ, lạc hậu và không còn giá trị sử dụng, song lại ẩn chứa trong mình những giá trị, ý nghĩa văn hóa, lịch sử, kiến trúc,… đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhiều công trình sau khi được bảo tồn, tái tạo thành bảo tàng, sân khấu biểu diễn, tổ hợp văn hóa, giải trí,… được định danh là "di sản công nghiệp" đã rất thu hút khách du lịch, trở thành yếu tố góp phần phát triển công nghiệp văn hóa ở nhiều quốc gia.

Các ụ nổi của xưởng Ba Son được xây dựng vào năm 1886. (Nguồn: thegioidisan.vn)

Tuy nhiên tại Việt Nam, đến nay khái niệm "di sản công nghiệp" chỉ mới manh nha, và trong quá trình phát triển, không ít di sản như vậy đã bị bỏ qua, phá dỡ. Thực tế này đòi hỏi cần có nhận thức, quy định phù hợp và đúng đắn về di sản công nghiệp để có giải pháp bảo tồn, sử dụng hiệu quả.

Bài 1: Định vị giá trị

Cuối thế kỷ 19, văn minh công nghiệp đã bắt đầu có mặt ở Việt Nam. Và sau hơn một thế kỷ phát triển, dù quy mô không lớn nhưng văn minh công nghiệp cũng đã để lại một hệ thống giá trị, trong đó có nhiều cơ sở gắn bó với đời sống của cộng đồng dân cư, thành "thương hiệu" của một số tỉnh, thành phố, thậm chí còn là đặc trưng cho một số giai đoạn phát triển của địa phương hoặc quốc gia, mang đậm trong mình các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội... Nhưng hiện nay, do nhận thức về giá trị của di sản công nghiệp vẫn còn bất cập, không ít di sản công nghiệp đã bị xóa sổ một cách đáng tiếc.

Trước đây, khi đề cập di sản văn hóa, nhiều người thường chú trọng đến các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở thời nông nghiệp và tiền công nghiệp với quan niệm di sản có tuổi đời càng lớn, càng có giá trị. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, nhận thức này bắt đầu thay đổi. Bản thân hệ thống máy móc, nguyên lý sản xuất và các sản phẩm của văn minh công nghiệp đã trực tiếp phản ánh sự phát triển về tri thức, trình độ khoa học kỹ thuật của con người so với các giai đoạn lịch sử trước đó. Quan trọng hơn, sự hình thành, phát triển của văn minh công nghiệp đã dẫn tới sự thay đổi cấu trúc xã hội, chi phối sự hình thành lối sống, tập quán, sinh hoạt văn hóa mới của cả cộng đồng, quốc gia và rộng hơn là nhân loại,... thậm chí làm thay đổi cả quan niệm sống và đời sống tinh thần. Đó là lý do nhiều di sản của văn minh công nghiệp đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Và thực tế di sản công nghiệp ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Năm 1978, Ủy ban quốc tế nghiên cứu và bảo tồn Di sản công nghiệp (viết tắt là TICCIH) chính thức ra đời tại Anh (hiện có gần 50 quốc gia thành viên). Từ đó, TICCIH cũng chính thức đưa ra khái niệm di sản công nghiệp, đó là những gì còn lại của "văn hóa công nghiệp" như các giá trị lịch sử, khoa học - công nghệ, xã hội, kiến trúc,… gồm các tòa nhà, công xưởng, máy móc, các mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, cũng như các địa điểm phục vụ sinh hoạt của công nhân tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp như nhà ở, cơ sở đào tạo, nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo,…

Do đặc điểm lịch sử, văn minh công nghiệp xuất hiện ở Việt Nam muộn hơn nhiều quốc gia, bắt đầu bằng việc người Pháp xâm chiếm Việt Nam và xây dựng một số nhà máy, xí nghiệp, bến tàu, hầm mỏ... Các công trình này đã dẫn đến sự ra đời của tầng lớp công nhân, manh nha sự thay đổi trong lối sống, tập quán xã hội,... đánh dấu giai đoạn Việt Nam bắt đầu chuyển dịch từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp. Đặc biệt cần nhấn mạnh ở nửa đầu thế kỷ 20, sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam cũng như sự ra đời và phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với sự phát triển văn minh công nghiệp. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù đất nước bị chia cắt, nhưng bên cạnh việc kế thừa một số nhà máy, xí nghiệp xây dựng từ thời Pháp thuộc, nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng mới. Ở miền bắc, nhiều nhà máy, xí nghiệp mang dấu ấn của thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa đã ra đời. Hà Nội là trung tâm công nghiệp với những cơ sở lớn như: Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo (chuyển từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội sau năm 1954), Nhà máy Dệt 8-3, "tổ hợp" các nhà máy Cao - Xà - Lá (sản xuất cao-su, xà-phòng, thuốc lá), Diêm Thống Nhất...; tiếp đó là Hải Phòng, với Nhà máy Cá hộp, Nhà máy Nhựa... Các tỉnh, thành phố khác như Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Bắc cũng đã có nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng mới. So với giai đoạn trước, số lượng công dân chuyển từ sinh sống bằng nông nghiệp sang làm công nhân ngày một nhiều hơn. Chung quanh nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên các khu tập thể, hoặc các khu dân cư chủ yếu là công nhân. Từ việc tách biệt khỏi đời sống nông thôn, tham gia hoạt động kinh tế đã thay đổi về bản chất, mà nếp văn hóa, phong tục, lối sống,... của giai cấp công nhân hình thành.

Căn cứ vào định nghĩa di sản công nghiệp của TICCIH, Việt Nam có một lượng di sản công nghiệp không nhỏ, đánh dấu sự thay đổi căn bản của xã hội, từng bước chuyển từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp; có tác động sâu sắc đến sự hình thành nên phong tục, tập quán, lối sống, sinh hoạt văn hóa mới. Và một số di sản công nghiệp còn có khả năng "kể lại" quá trình, bản chất xâm chiếm, khai thác thuộc địa của người Pháp, "kể lại" một giai đoạn phát triển của miền bắc xã hội chủ nghĩa, và một giai đoạn ở miền nam với khuynh hướng tư bản khi đất nước bị chia cắt. Đặc biệt tại đô thị lớn nhất miền bắc là Hà Nội, hệ thống nhà máy, xí nghiệp của thành phố không chỉ đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân, mà còn là "điểm tựa", hậu phương vững chắc cho đất nước thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tại TP Hồ Chí Minh, những di sản công nghiệp nổi tiếng nhất phải kể đến như: Nhà máy sửa và đóng tàu Ba Son, Nhà đèn Chợ Quán, hệ thống cảng trên sông Sài Gòn... Trong đó, Nhà máy sửa và đóng tàu Ba Son là địa chỉ ghi dấu những bước đầu tiên khi văn minh công nghiệp phương Tây xâm nhập vào nước ta. Vốn là một thủy xưởng thành lập từ thời Nguyễn Ánh chưa lên ngôi hoàng đế, sau đó, được người Pháp biến thành một công xưởng sửa chữa, đóng tàu. Năm 1863, chính quyền của thực dân Pháp quyết định thành lập xưởng đóng tàu Sài Gòn tại thủy xưởng Ba Son. Nhà đèn Chợ Quán là nhà máy điện được người Pháp xây dựng đầu thế kỷ 20, trở thành một công trình tân tiến ở Đông Dương thời ấy. Trong suốt tám mươi năm, Nhà đèn Chợ Quán cung cấp điện cho Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh ngày nay, và trở thành địa chỉ thân thuộc với người dân Sài Gòn. Về mặt văn hóa, có thể nói ảnh hưởng của các nhà máy, xí nghiệp có lịch sử lâu đời là hết sức sâu đậm, không chỉ đối với người trực tiếp tham gia làm việc tại những nhà máy, xí nghiệp này, mà còn góp phần định hình thương hiệu văn hóa, thương hiệu di sản. Điển hình như tại Hà Nội, Nhà máy bia Hà Nội được xây dựng từ thời Pháp thuộc đã góp phần tạo nên truyền thống hàng trăm năm của bia Hà Nội, góp phần tạo nên những nét độc đáo của ẩm thực Hà thành.

Trên thế giới đã có nhiều di sản công nghiệp được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhưng với Việt Nam, Luật Di sản văn hóa hiện vẫn còn thiếu đề cập một cách đầy đủ và cụ thể về lĩnh vực di sản công nghiệp. Khoản 3, Điều 4 Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2013 chỉ quy định chung chung: "Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học". Đến nay, chưa một nhà máy, xí nghiệp cũ nào được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa. Xét ở góc độ kiến trúc, Luật Kiến trúc được Quốc hội phê chuẩn năm 2019 tại khoản 5, Điều 3 đề cập khái niệm "Công trình kiến trúc có giá trị" với nội hàm là "công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt", theo đó UBND cấp tỉnh cần tổ chức rà soát, đánh giá, lập và bổ sung vào danh mục các công trình kiến trúc có giá trị để tổ chức quản lý (khoản 2, 3 Điều 13), nhằm bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và khai thác một cách hợp lý. Tuy nhiên, thực tế thì nhiều nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, bến tàu, khu nhà ở của công nhân,... vẫn chưa được xem là công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị.

Có thể nói, dường như từ nhận thức đến hành động, chúng ta lại đang có phần bị tụt hậu so với thế giới? Bằng chứng là khi quy hoạch phát triển một số đô thị, nhiều di sản công nghiệp đã bị phá dỡ. Như tại Hà Nội, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo từng in dấu trong lịch sử công nghiệp ở miền bắc nay đã bị "xoá sổ" không còn một dấu vết. Nhà máy Dệt 8-3 giờ cũng là nơi mọc lên những cao ốc chọc trời... Theo thống kê của nhóm "Vì một Hà Nội đáng sống", trong số 31 nhà máy, xí nghiệp cũ tại Hà Nội phải di dời, thì 29 địa điểm đã biến thành những tòa cao ốc với cư dân đông đúc. Có nhà máy, xí nghiệp cũ, nay là "rừng" cao ốc với tổng số dân cư cỡ một huyện trung bình. Xu hướng này đi ngược sự phát triển chung của thế giới cũng như của Việt Nam, đồng thời chất tải thêm gánh nặng cho hạ tầng vốn còn quá hạn chế của Hà Nội, đi ngược với chủ trương di dời dân cư khỏi bốn quận nội thành cũ. Nam Định vốn là một trung tâm công nghiệp của miền bắc từ thời Pháp thuộc, mà nổi tiếng nhất là Nhà máy Dệt Nam Định đã được chính quyền cách mạng tiếp quản từ tay người Pháp, và suốt mấy chục năm sau đó tiếp tục là điểm sáng của nền sản xuất ở miền bắc. Nhà máy Dệt Nam Định có lịch sử trăm năm, ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống người dân "Thành Nam", và đây còn là địa chỉ gắn với phong trào cách mạng tại Nam Định. Giờ những dấu ấn về nhà máy không còn, thay vào đó là một khu đô thị hiện đại, có diện tích gần 30 ha. Còn rất nhiều di sản công nghiệp nổi tiếng trong nam, ngoài bắc cũng đã bị xóa sổ một cách hoàn toàn như thế. Trong đó có rất nhiều nhà máy gắn liền với lịch sử phát triển của nền công nghiệp Việt Nam, các giá trị văn hóa - xã hội, đồng thời gắn liền với lịch sử ra đời và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam và sự phát triển của phong trào cách mạng. Kết quả là, chúng ta không chỉ mất đi phần vật thể về kiến trúc, minh chứng về phát triển kỹ thuật, văn hóa qua từng thời kỳ,... mà còn đánh mất cả "ký ức" của di sản công nghiệp và cộng đồng dân cư đã từng gắn kết, nuôi dưỡng và góp phần tạo lập di sản đó.

(Còn nữa)

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới