Nhân dân các dân tộc Sơn La làm theo lời Bác

Những tuyến đường bê tông, trải nhựa rộng mở về với bản, với mường. Từng dòng sông, con suối đã được chế ngự thành nguồn thủy năng vô tận.

Một góc thành phớ Sơn La hôm nay. 

 

Nơi chân núi, triền đồi ngút ngàn cà phê, cây trái, chè xanh gọi nắng, lúa đầy bồ, ngô thêm hạt cùng gần bảy ngàn ha cao su tạo nguồn “vàng trắng”, từng công trình, cụm công nghiệp mọc lên, phố núi, bản mường điện sáng thay sao, rộn ràng lời đang, câu khắp, vấn vít điệu xòe đậm âm hưởng dân gian hòa quyện trong cung bậc núi rừng... Đó là thành quả của đồng bào các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết một lòng, học và làm theo lời Bác dạy, khơi nguồn lực, tiềm năng, cho Sơn La đẹp giàu, làm sáng lên hòn ngọc miền Tây Bắc Tổ quốc.

 

Đếm nhịp thời gian, kể từ ngày 7-5-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Thuận Châu đến nay vừa tròn 55 năm. Người căn dặn: “Ngày nay, đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, quét sạch hết bọn phá hoại làm cho mọi người đều được no ấm, đều được biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui”. Hơn nửa thế kỷ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La luôn khắc cốt, ghi tâm, thường xuyên đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, chăm lo đời sống cho đồng bào như lời Bác hằng mong muốn.

 

Trong lĩnh vực xóa “giặc đói”, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất tập trung, đa dạng ngành nghề, cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KHKT vào sản xuất, tăng sản phẩm hàng hóa. Nhờ đó, kinh tế của tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá, giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2013 tăng 10,02%, thu ngân sách địa phương đạt 2.072 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 12.564 tỷ đồng. Chương trình xoá đói giảm nghèo đạt kết quả, đời sống nhân dân cải thiện, đến nay không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 27%. Học Bác, cùng với thực hiện các chính sách của Nhà nước, nhân dân trong tỉnh có nhiều việc làm thiết thực: 898 mô hình phụ nữ tiết kiệm với “Hũ gạo tình thương”, “Ống tre tiếp sức”, “Nuôi heo đất”... được hơn 11,4 tỷ đồng cho 3.550 hội viên vay, góp 18 tấn thóc, gạo hỗ trợ 1.554 hội viên. Đảng viên Lường Văn Hợp, bản Nông Cốc A, xã Long Hẹ (Thuận Châu), phát huy bản chất bộ đội cụ Hồ, trồng 133 ha rừng thông, 10 ha sơn tra, nuôi 86 con trâu, bò và thả cá, thu trên 300 triệu đồng/năm. Thanh niên Quàng Văn Chom, bản Nà Lìu, Dồm Cang (Sốp Cộp), lúc đầu trồng 1,5 ha tre bát độ, nuôi 20 con trâu bò, khi có vốn thành lập HTX Hải An cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và chế biến nông sản, đấu thầu 16 ha đất trồng sắn, dong riềng, đầu tư máy nghiền bột, tạo việc làm cho 10-12 lao động địa phương...

 

Nhận rõ sự cần thiết của việc học, các bậc tiền nhân xưa đã răn: "Nên thợ, nên thầy nhờ có học. No cơm, ấm áo bởi hay làm".  Trong xóa “giặc dốt”, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo mở rộng hệ thống mạng lưới trường lớp với 827 trường học, hơn 290 nghìn học sinh. Cơ sở vật chất đang được đầu tư xây dựng, trong tổng số 12.976 phòng học các cấp, tỷ lệ kiên cố chiếm 52,42%, con em đồng bào đã được đến trường, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Không chỉ vậy, cùng với chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn của Chính phủ, HĐND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ nấu ăn tại các trường có học sinh bán trú. Sau bốn tháng, có 95 trường tổ chức nấu ăn tập trung cho 11.217 học sinh. Hiện, toàn tỉnh có trên 40.000 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ bán trú của Nhà nước, hàng tháng, mỗi học sinh được cấp 15 kg gạo và hỗ trợ 460.000 đồng tiền ăn, góp phần giúp các em yên tâm học tập, nâng bước tương lai. Câu chuyện xúc động của Tòng Văn Hòa, Bí thư chi đoàn bản Khiềng, xã Chiềng Ve (Mai Sơn) trong làm theo Bác đã xây dựng mô hình “Tiếng trống học bài trong đêm” có sức lan tỏa sâu sắc. Hòa cùng đoàn viên chi đoàn vừa tuyên truyền cho bà con hiểu về sự học vừa trực tiếp giúp các hộ dùng gỗ tạp đóng bàn, ghế, tủ sách, tạo 107 góc học tập cho các em. Cứ 19h30 hàng ngày, tiếng trống từ nhà văn hóa bản vang lên, thôi thúc các em vào học và anh chị đoàn viên kiểm tra thường xuyên. Bây giờ, việc học của trẻ nền nếp được phụ huynh, nhà trường đồng tình cao và đưa vào hương ước của bản cùng thực hiện.

 

Học và làm theo Bác trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, minh chứng sinh động nhất là 35 năm với hai cuộc di chuyển dân, 5.200 hộ dân dự án thuỷ điện Hòa Bình, 12.584 hộ dự án thủy điện Sơn La đã đồng thuận chuyển tới các khu TĐC với tinh thần “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã huy động sức dân làm 1.778 ngôi nhà “Đại đoàn kết”, 225 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, giúp đỡ hàng nghìn hộ nghèo có vốn sản xuất. Trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã làm 298 tuyến đường bê tông nội bản, tiểu khu, dài 85 km, trị giá 64,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 45,2 tỷ đồng từ hiến đất, góp vật liệu, ngày công... Nhân dân thị trấn nông trường Mộc Châu, đóng góp hơn 9,1 tỷ đồng làm đường giao thông; nhân dân xã Mường Khoa (Bắc Yên) hiến 1.742 m2 đất mở đường nội bản; hộ gia đình ông Lèo Văn Trường tiêu biểu trong xã Mường Khoa góp 300m2 đất trị giá 60 triệu đồng...

 

Lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế duy trì, phát huy theo hướng xã hội hóa. Bản sắc văn hóa các dân tộc được tôn vinh, giữ gìn. Các vấn đề xã hội được tập trung giải quyết; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ vững với bước đột phá trong việc hỗ trợ người cai nghiện ma túy, đấu tranh quyết liệt với tệ nạn, tội phạm về ma túy, tội phạm hình sự, mang lại bình yên cho bản làng. Tiềm lực quốc phòng, quân sự được bảo đảm; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được tăng cường, mở rộng.

 

Đến nay, Đảng bộ tỉnh có gần 68.000 đảng viên; 1.031 tổ chức cơ sở đảng, 4.786 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở. Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng bộ tỉnh đã coi trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Mỗi đảng viên và cán bộ luôn thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI về công tác xây dựng Đảng, cùng với kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU về nêu cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Việc làm đấy ý nghĩa đã tạo dư luận tích cực, sự đồng thuận, hưởng ứng và chấp hành nghiêm túc của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

 

Dẫu chưa thể nêu hết những tập thể điển hình, cá nhân tiên tiến và việc làm của đồng bào các dân tộc nhưng điều khẳng định học và làm theo Bác là việc làm liên tục, thường xuyên, hằng ngày để rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, hoàn thiện chính mình, từ đó nâng cao trách nhiệm, tận tuỵ với công việc, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Có như vậy mới hiện thực lời Bác Hồ từng mong ước: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”

 

Lã Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới