“Nhà khoa học chân đất” trên cao nguyên Mộc Châu

Cao nguyên Mộc Châu không chỉ nổi tiếng bởi khí hậu trong lành mát mẻ, bởi những danh lam thắng cảnh, những mùa hoa làm say đắm lòng người mà còn nổi tiếng với những mùa trái ngọt. Và chính trên vùng đất này, khi nhắc đến những cây trồng mới, cách làm mới lại gắn với tên của những “Nhà khoa học chân đất” làm cho cao nguyên thêm xanh.

 

Ông Nguyễn Xuân Tá cùng gia đình thu hoạch hồng giòn.

Gửi tình người vào đất

Chúng tôi tìm đến Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hồng, ở tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn nông trường Mộc Châu một ngày đầu tháng 9. Thật bất ngờ vì chiếc biển doanh nghiệp được cắm ở một ngôi nhà nằm trên mảnh đất thoai thoải sườn đồi vừa là trang trại, vừa là nhà ở và cũng là văn phòng doanh nghiệp. Bất ngờ hơn khi biết “Nhà khoa học chân đất” sắp tiếp xúc mới tốt nghiệp lớp 7 trường làng, nhưng đã tự nghiên cứu thành công nhiều giống cây trồng, đem lại lợi ích cho người dân. Đón chúng tôi là thương binh 3/4 Nguyễn Xuân Tá, Giám đốc Doanh nghiệp, ông năm nay đã 64 tuổi, mái tóc bạc trắng, nhưng dáng đi vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Đang vào vụ hồng giòn của Mộc Châu, nên nhà ông tấp nập thương lái đến tận vườn nhà thu mua hồng. Chỉ tay về phía những thùng hồng lớn, nhỏ, đã được đóng gói cẩn thận để chuyển về miền xuôi tiêu thụ, ông Tá nói: Trong khi nhiều sản phẩm nông sản khác gặp khó khăn về đầu ra, thì riêng cây hồng giòn năm nào cũng được thương lái khắp nơi thu mua, không bị ế hàng bao giờ.

Đặt đĩa hồng giòn mời khách, ông kể lại hành trình lập nghiệp của mình bằng giọng trầm ấm: Sinh ra ở Mê Linh, Vĩnh Phúc, nhưng có duyên với Tây Bắc,  nên tôi đã chọn Mộc Châu làm quê hương thứ 2 để mở cơ sở thứ 2 nghiên cứu phát triển cây ăn quả. Lên Mộc Châu năm 2000, tôi mua hơn 1.000 m2 đất để phát triển nông nghiệp, sau đó, mua thêm đất mở trang trại rộng hơn 1 ha. Gia đình tôi đã trồng rất nhiều loại cây khác nhau, nhưng năng suất đạt thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Dừng lời kể, mời khách ăn thêm những miếng hồng vàng ươm bày trên đĩa, ông nói tiếp: Năm 2001, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đi công tác Nhật Bản đem về 5 cành hồng  Fuyu là giống hồng giòn ôn đới. Viện Bảo vệ Thực vật được giao nhiệm vụ trồng thử nghiệm và tôi được mời tham gia cộng tác. Nhưng đợt trồng đó không thành công. Sau đó, Viện Di truyền nông nghiệp chính thức nhập 6 giống hồng, trong đó giống Fuyu, giống Jito Nhật Bản. Tôi lại được nhận một số cành để tạo vật liệu nhân giống và trồng. Trong giai đoạn này, vừa tranh thủ hướng dẫn, tư vấn của các nhà khoa học chuyên nghiệp ở Viện Di truyền nông nghiệp, vừa âm thầm nghiên cứu... Sẵn có các gốc đủ tiêu chuẩn để ghép mắt của các giống hồng nhập ngoại, tôi thử nghiệm trên các loại gốc ghép khác sau và phát hiện ra, gốc ghép tốt nhất là giống hồng bản địa có nguồn gốc xuất xứ từ Tuyên Quang. Sau khi nhân giống thành công, tôi trồng một ít ở Mê Linh, còn lại đem lên trồng thử nghiệm tại trang trại ở Mộc Châu. Sau 3 năm tỉ mỉ chăm sóc, các loại hồng trồng ở Mê Linh cây phát triển tốt, nhưng không có quả. Còn ở Mộc Châu, 2 năm đã ra bói, đến năm thứ 3 có cây đạt 40 quả, trọng lượng khoảng 200g/quả. Chất lượng giòn, ngọt dịu, thơm mát, bán được giá nhất là giống hồng Fuyu.

Danh tiếng hồng Mộc Châu

Tư thương đến thu mua hồng giòn tại vườn nhà ông Tá.

Năm 2006-2007, khi đã chọn được những cây giống đầu dòng (cây giống bố mẹ) tốt nhất, ông Tá đã nhân giống, trồng phủ hết 1 ha trang trại của gia đình ở Mộc Châu và chuyển giao kỹ thuật trồng 2 ha khác cho các hộ trong địa phương. Khi biết chuyện ông Tá thuần hóa được giống hồng nhập ngoại, sở hữu những cây đầu dòng giá trị, bước đầu nhân giống và chuyển giao mở rộng sản xuất ở Mộc Châu thì các nhà khoa học Viện Bảo vệ thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp rất ngạc nhiên. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh ta, nhiều tổ chức khoa học Trung ương và địa phương tổ chức các đoàn tham quan và đều bị thuyết phục khi đến thăm trang trại hồng. Bởi những gốc hồng mới trồng được 5 năm, mà sai trĩu quả, cành nào cũng phải dùng cây để chống. Có gốc ghép thuần 1 giống, có gốc ghép tới 3-4 loại giống hồng lai khác nhau. Đó là nơi lưu giữ các nguồn gen hồng giòn nhập ngoại đã được lai tạo, là nơi cung cấp mắt ghép chất lượng cao, đủ để sản xuất hàng chục vạn cây giống đủ tiêu chuẩn.

Công lao của “Nhà khoa học chân đất” được đền đáp. Năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định công nhận giống hồng Mộc Châu  đặt tên là MC1 là giống cho phép sản xuất thử ở nhiều địa bàn có điều kiện tương tự như Mộc Châu. Thật vinh dự, ông Tá có tên trong danh sách quyền tác giả bên cạnh các nhà khoa học có tên tuổi thời bây giờ như: PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp; GS.TS Đỗ Đăng Vinh và Tiến sỹ Hà Thị Thủy, Tiến sỹ Lê Đức Khánh (Viện Bảo vệ Thực vật). Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Hội đồng bình tuyển và công nhận vườn hồng của Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hồng là vườn cây giống đầu dòng MC1, được phép khai thác làm vật liệu nhân giống.

Ghi nhận những nghiên cứu của ông về cây giống và quả hồng giòn. Niềm vui nhân đôi trong năm 2009, giống hồng MC1 do ông lai tạo thành công đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Cúp vàng Nông nghiệp; ông được tặng giải ba tại Hội thi sáng tạo toàn tỉnh về kỹ thuật nhân và trồng giống hồng MC1. Năm 2014, ông được Hội Tri thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam trao Giải thưởng tri thức vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn Việt Nam. 

Nghiên cứu vì nông dân

Vườn ươm giống cây hồng giòn MC1 của gia đình ông Tá.

Khoe với chúng tôi về cây hồng có chất lượng quả thơm, ngon, giòn và là cây hồng lớn tuổi nhất đất Mộc Châu, ông nói: Cây hồng giòn Fuyu đã được gần 20 tuổi, là giống hồng nổi tiếng có nguồn gốc từ Nhật Bản. Do được trồng khảo nghiệm tại Mộc Châu nên giống hồng này còn được đặt tên là MC1. Hồng MC1 có thân cây màu xám, cành bánh tẻ màu nâu, tán cây hình bán nguyệt, lá thuôn màu xanh đậm. Đang là mùa hồng chín, nên cây hồng sai trĩu quả làm mê hoặc bất cứ ai ngắm nhìn. Năm 2009-2010, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hồng được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đầu tư trên 500 triệu đồng với cơ chế thu hồi 60%. Doanh nghiệp đã nhân giống, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 10 hộ trồng mới được 6 ha và ghép cải tạo 3 ha cho các gia đình khác. Doanh nghiệp đã hoàn thiện thêm quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hồng đã trở thành đối tác của Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Rau quả trong việc sản xuất giống, vì doanh nghiệp đang sở hữu nguồn cây giống đầu dòng cho mắt ghép tốt nhất.

Với sự nhạy bén của “Nhà khoa học chân đất” vốn gắn với sản xuất, sớm thấy triển vọng của giống hồng Fuyu và cũng là để ghi dấu đã nhân thành công giống hồng, năm 2004, ông quyết định thành lập doanh nghiệp lấy tên là Xuân Hồng. Hoài bão của ông là nhân giống, kinh doanh giống và và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để phát triển rộng giống hồng Fuyu ở Mộc Châu và các vùng khác trong nước...

Chúng tôi đến thăm một trong những hộ hưởng lợi từ cây hồng giống Fuyu của Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hồng, anh Lê Văn Các, bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu) nói: Năm 2014, tôi đặt mua giống cây hồng giòn của Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hồng về trồng trên diện tích 2 ha, sau 3 năm được doanh nghiệp hướng dẫn cách chăm bón đúng kỹ thuật, hiện, cây hồng đã giúp gia đình tôi có nguồn thu lớn. Giá bán buôn tại vườn có lúc đến 30.000/1kg, mỗi vụ hồng có bao nhiêu, thương lái mua hết bấy nhiêu.

Trao đổi với ông Trần Xuân Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, được biết: Hồng giòn Mộc Châu là giống hồng Fuyu có nguồn gốc từ Nhật Bản. Đây là loại quả có giá trị kinh tế cao, không có hạt, ăn giòn và ngon, được phát triển và nhân giống tại Mộc Châu khoảng 16 năm nay. Đến nay, diện tích toàn huyện có khoảng 70 ha - 80 ha, mỗi ha đạt khoảng 10 - 15 tấn quả, sản lượng đạt trên 1.000 tấn, giá bán trung bình từ 30.000 đồng - 35.000 đồng/kg.

Với tình yêu dành cho nông nghiệp, dù tuổi đã cao, nhưng người thương binh 3/4 Nguyễn Xuân Tá vẫn cần cù ứng dụng kỹ thuật mới vào nghiên cứu sản xuất những giống cây trồng chất lượng, nhằm đem đến cho người dân những giống cây có năng suất cao, giúp người dân cao nguyên Mộc Châu có cuộc sống sung túc.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới