Nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo

Đến nay, tổng dư nợ của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường La đạt 351 tỷ 779 triệu đồng. Với 14 chương trình tín dụng chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả, đã giúp trên 13.500 hộ nghèo trên địa bàn huyện có vốn phát triển sản xuất, nhiều hộ vay đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH tại xã Pi Toong.

Ông Nguyễn Trung Tấn, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Mường La cho biết: Với phương châm công khai, dân chủ trong công tác tín dụng, các điểm giao dịch đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến nay, 14 chương trình tín dụng ưu đãi đã được triển khai đến 16/16 xã, thị trấn, nguồn vốn ưu đãi được giải ngân đúng đối tượng, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích.

Thực hiện xã hội hóa công tác tín dụng, Phòng giao dịch đã thực hiện tốt cơ chế ủy thác cho vay thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, với 385 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ cho vay thông qua các tổ chức đoàn thể chiếm 99,9% tổng dư nợ. Trong đó, Hội Nông dân có 113 tổ, Hội CCB 100 có tổ, Hội Phụ nữ có 70 tổ và Đoàn Thanh niên có 102 tổ, doanh số cho vay và thu nợ luôn tăng trưởng, tỷ lệ nợ quá hạn giảm. Các tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả, việc bình xét hội viên bảo đảm công khai, đúng đối tượng, cùng với làm tốt công tác kiểm tra, giám sát khi giải ngân, nên hạn chế được những sai sót trong công tác cho vay, bảo đảm không có biểu hiện tiêu cực trong tín dụng. Hàng tháng Phòng giao dịch phối hợp với Đảng ủy, UBND xã, thị trấn, các tổ chức hội đoàn thể, các tổ trưởng tổ TK&VV họp giao ban định kỳ để đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm, chỉ ra những tồn tại trong quá trình hoạt động và triển khai giải pháp khắc phục.

Các chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai đã góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trên địa bàn. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo với số vốn đã giải ngân gần 190 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 6.830 hộ nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất. Chương trình cho vay hộ cận nghèo có 1.001 hộ cận nghèo đang sử dụng vốn với số tiền gần 30 tỷ đồng. Đồng thời, để giúp các hộ mới thoát nghèo có nguồn lực thoát nghèo bền vững, hiện có 239 hộ đang sử dụng vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo với số tiền 6 tỷ 810 triệu đồng. Chương trình cho vay trồng rừng sản xuất và phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ, với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho các hộ trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 giúp các hộ phát triển kinh tế tăng thu nhập, vươn lên làm giàu, từ năm 2017 đến nay có 153 hộ vay 4 tỷ 780 triệu đồng để phát triển chăn nuôi đại gia súc dưới tán cây rừng. Ngoài ra, 3.404 hộ đang được vay gần 70 tỷ đồng theo các chương trình cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn để đầu tư phát triển chăn nuôi, mua máy móc nông cụ. Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp cho nhiều hộ vay có điều kiện xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần làm thay đổi nhận thức về môi trường và điều kiện vệ sinh tại khu vực nông thôn. Tính riêng từ đầu năm đến nay đã có 355 công trình nước sạch, 352 công trình vệ sinh được xây dựng; 37 hộ nghèo được vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở; 56 hộ có tiền trang trải chi phí cho con em đi học các trường chuyên nghiệp.

Cùng với triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường La đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện cho vay ủy thác các xã, thị trấn; phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém trong việc thực hiện nhiệm vụ ủy thác của tổ chức cấp hội, phương pháp và cách quản lý hoạt động của tổ TK&VV, mục đích sử dụng vốn vay và khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của các hộ vay vốn. Các chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Nhận thức cũng như hiệu quả sản xuất của người dân được nâng lên, chất lượng tín dụng được bảo đảm, tỷ lệ thu nợ, thu lãi cao, tốc độ quay vòng vốn nhanh. Qua đó, khẳng định hiệu quả và sự phù hợp của các chương trình tín dụng chính sách đối với tình hình thực tế tại địa phương.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới