Nguồn quỹ giúp nông dân phát triển kinh tế

Nhiều năm qua, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều hộ hội viên nông dân trong tỉnh được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

 

Cán bộ Hội Nông dân xã Chiềng Sàng (Yên Châu) hướng dẫn hội viên chăm sóc cây xoài.

 

Gia đình anh Lò Văn Chung, bản Nà Sành, xã Bó Mười (Thuận Châu) là một trong những hộ thoát nghèo từ nguồn vốn vay của tổ chức Hội. Anh Chung chia sẻ, trước đây nhà anh thuộc diện đặc biệt khó khăn, cuộc sống dựa chủ yếu vào trồng ngô, sắn. Năm 2017, thông qua Hội Nông dân xã, nhà anh được vay 20 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân và 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng chuồng trại, thu mua dê về nuôi vỗ béo, thường xuyên duy trì nuôi từ 60-80 con. Cùng với đó, gia đình anh trồng thêm 100 gốc xoài, 0,5 ha cà phê... Bây giờ thì nhà anh không chỉ thoát nghèo, mà còn có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm sau khi đã trừ mọi khoản chi phí; trở thành một trong những hội viên nông dân điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. 

 

Cũng từ việc được tiếp cận nguồn vốn, rồi được đi tham quan các mô hình kinh tế cho nhu nhập cao ở các địa phương lân cận, hội viên Ngô Văn Vinh, bản Mai Ngập, xã Chiềng Sàng (Yên Châu) cũng đã thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng xoài Đài Loan, nhãn ghép. Cách đây 4 năm, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và vay thêm Ngân hàng, anh Vinh nhận thầu thêm đất trồng hơn 3 ha xoài Đài Loan, 1 ha nhãn ghép. Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi bò nhốt chuồng. Đến năm 2019, vườn cây nhà anh cũng cho thu hoạch trên 3 tấn quả xoài... tổng thu nhập của gia đình hiện cũng khoảng 100 triệu đồng/năm.

 

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 171 dự án, hàng nghìn mô hình kinh tế được triển khai từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, đã giải ngân gần 50 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 1.318 hộ hội viên vay vốn phát triển sản xuất, 1.400 lao động có việc làm. Các mô hình, dự án trồng trọt, chăn nuôi được triển khai theo hướng nhốt chuồng gắn với trồng cỏ; trồng, chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tính riêng năm qua, tổng dư nợ Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp gần 52 tỷ đồng (Hội Nông dân tỉnh quản lý gần 28,4 tỷ đồng; Hội nông dân huyện, thành phố hơn 23,6 tỷ đồng). Các cấp hội cũng đã phối hợp tổ chức 26 lớp tập huấn nghiệp vụ Quỹ hỗ trợ nông dân và vay vốn ngân hàng cho 434 lượt hội viên; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 268 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thu hút 11.660 lượt hội viên tham gia.

 

Theo ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, nhu cầu vốn để nông dân phát triển sản xuất là rất lớn, vì vậy các cấp Hội Nông dân cần chú trọng tuyên truyền, vận động, khảo sát nhu cầu vay vốn của hội viên, ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong sử dụng nguồn vốn, phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn vay; thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn; tiếp tục phối hợp với ngân hàng, các ngành chuyên môn tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ quản lý Quỹ, vay vốn và mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi... đối với hội viên nông dân.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới