Người vùng cao là thế…

Tiếp xúc với Giàng A Páo - một thanh niên người Mông quê ở Vân Hồ (Sơn La)- trong một lần ghé Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc ở Hà Giang đã khiến tôi bị thôi thúc háo hức khám phá nét đẹp của những rẻo cao, sự chân chất của những chàng trai Mông trên đất Mộc Châu.

Những đồi hoa cải cuốn hút trên cao nguyên Mộc Châu (ảnh minh họa)

Tôi không dám nói ở các tỉnh miền núi phía Bắc chỗ nào cũng từng có dấu chân tôi, song đi cũng kha khá. Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu… tôi đều đã từng đến. Nhưng ấn tượng với người vùng cao, đặc biệt là với người Mông; ấn tượng sâu sắc đến mức thôi thúc tôi muốn tìm hiểu, khám phá thêm nhiều hơn những địa điểm, văn hóa, con người của đồng bào Mông, nơi những vùng đồi hoa cải trắng trên cao nguyên Mộc Châu chỉ xuất hiện từ khi tôi gặp Páo. Trong câu chuyện của mình, Páo đã giới thiệu về món đặc sản rượu ngô, về quả táo mèo của người Mông quê Páo. Páo kể: “Huyện Vân Hồ nằm trên vùng cao nguyên Mộc Châu, khí hậu trong lành mát mẻ, và đặc biệt là những đồi hoa cải thu hút du khách dưới Hà Nội khi vào mùa. Nhưng người Mông ở Vân Hồ nghèo lắm, mỗi năm chỉ trông vào một vụ ngô, thu nhập chừng 15 triệu, còn lại trông vào một vài cây ăn quả trồng trong vườn nhà. Nhưng nhà nào trong bản cũng trồng táo mèo, quả táo mèo dùng để ướng rượu ngô thì rất ngọt”.

Nhà Páo có 4 anh chị em, cũng nghèo như bao người Mông khác; cuộc sống chỉ trông vào một vụ ngô trồng ở những nương rẫy, hốc đá trên núi; hoa quả trong vườn chủ yếu là củ đậu, mơ, mận, mỗi nhà trồng vài cây to, thường bán dọc đường cho khách Hà Nội đi chơi về, khoảng 10.000đ-15.000đ/kg.

Giàng A Páo (khăn trắng thứ 2 từ phải sang) mời mọi người cùng uống rượu ngô

Người Mông quê Páo trồng ngô từ tháng 3, tháng tư; đến tháng 9 thì được thu hoạch; thu hoạch xong thì mồng 2 tháng 9, đi Mộc Châu chơi Tết Độc lập. Páo kể: “Thu hoạch xong, người Mông thường đi chơi Tết Độc lập ở Mộc Châu và bắt những cô gái “xin xin” (xinh xinh) về làm vợ”. Người Mông không nói được nhiều tiếng Kinh, chỉ lơ lớ thôi. Khách “Hò Lộ” (Hà Nội) đến thì được mời uống rượu “ngu” (ngô), ăn gà “xươn điên” (xương đen). Người Mông nghèo lắm, học xong lớp 9 thì đi làm ngô trên nương rẫy, đi mòn hết chân. “Người Mông thật vậy đấy” – Páo nói.

Đặc trưng văn hóa của người Mông là tiếng khèn. Trai Mông ai cũng biết thổi khèn, đặc biệt là kèn lá, cũng biết uống rượu. Tiếng kèn lá sẽ làm vơi nỗi buồn khi đi nương rẫy và cũng thu hút sự chú ý của các cô gái. Cuộc sống người Mông bây giờ đã tốt hơn, nhờ có Đảng, Bác Hồ. Páo như một hoạt náo viên luyến thắng: “Người Mông bây giờ tốt rồi, nó theo Đảng, theo Nhà nước rồi”. Páo lại say sưa nói về điệu múa dân tộc Mông, về điệu nhảy “Tha Kềnh” (Thác Khèn), về trang phục của các cô gái Mông…

Tôi không xem hết Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc năm ấy, nhưng tôi biết sẽ có nhiều người bị cuốn hút như tôi bởi nét chất phác và văn hóa độc đáo của người Mông Vân Hồ. Và tôi cảm nhận được sự thành công của Páo trong vai trò quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người đồng bào Mông ở Vân Hồ, Mộc Châu rói riêng, Sơn La nói chung ra với bạn bè, du khách. Đó sự cuốn hút của một chàng trai Mông đích thực, một sự chất phát, không màu mè, nhưng đầy tình cảm. Tôi đã ao ước được đi và cảm nhận, trên những rẻo cao của vùng Mộc Châu, cảm nhận tiết trời trong mát, nguyên sơ của những đồi hoa cải khi vào mùa, thích thú hứng khởi với nét văn hóa, ẩm thực của đồng bào, không khí ngày Tết Độc lập, tiếng kèn lá réo rắt… Để rồi tôi chợt yêu bài hát về những chàng trai Mông “…Người vùng cao là thế, uống chưa say chưa về…”

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới