Người phụ nữ khuyết tật làm kinh tế giỏi

Không may chân phải bị dị tật bẩm sinh, khó khăn trong việc đi lại, nhưng chị Lò Thị Toàn, hội viên Chi hội phụ nữ bản Bó Phương, xã Yên Sơn (Yên Châu) được nhiều người biết đến bởi với ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, là điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Chị Lò Thị Toản kiểm tra đàn ong của gia đình.

 

Trong ngôi nhà sàn rộng rãi, chị Toàn đã kể với chúng tôi về quá trình phát triển kinh tế để có cuộc sống khá giả cho gia đình. Năm 2008, chị xây dựng gia đình, trước cuộc sống khó khăn, chị đã bàn với chồng tìm cách phát triển kinh tế. Năm sau, gia đình chị vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện Yên Châu thông qua Hội LHPN xã để mua 2 con bò sinh sản đã chửa, một con lợn nái, cùng 2 con bò sinh sản có sẵn của gia đình. Bên cạnh đó, chị Toàn còn bán hàng tạp hóa, chăn nuôi gà, vịt, nuôi ong và nuôi dê để tăng thu nhập. Để có thức ăn cho đàn vật nuôi, gia đình đã trồng cỏ trên ruộng cạn, trồng ngô, lúa trên nương, tận dụng lá mía và rơm ủ chua lên men làm thức ăn cho trâu, bò. Trong chăn nuôi, gia đình chú trọng việc tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi. Đến nay, gia đình chị Toàn có 38 con bò, 4 con trâu, duy trì 35 con lợn rừng, lợn thịt, 220 đàn ong, mỗi năm thu từ 2-3 tấn mật và 7 tạ phấn hoa. Bên cạnh đó, chị còn thầu 2 ha đất trồng mía, thu hoạch trên 150 tấn mía cây/năm. Riêng vườn nhãn rộng 2.000 m2 trồng 100 cây nhãn ghép từ năm 2013 đến năm 2017 đã cho thu hoạch. Vụ vừa qua, nhãn ra bói được vài tạ quả, dưới gốc nhãn, gia đình chị nuôi từ 100-150 con gà thả vườn để cải thiện cuộc sống, tổng thu nhập của gia đình chị Toàn đạt 280 triệu đồng/năm.

Từ hộ nghèo, gia đình chị đã vươn lên trở thành hộ có mức sống khá trong bản. Chị Toàn đã cho 3 hội viên phụ nữ trong bản nuôi rẽ bò sinh sản, hiện các hộ đã phát triển được 11 con bê. Ngoài ra, chị còn cho 3 hội viên vay 23 triệu đồng không tính lãi để mua phân bón, giống phục vụ sản xuất. Hằng năm, gia đình chị tạo việc làm thời vụ cho 15-20 lao động địa phương chăm sóc và thu hoạch mía, với mức tiền công 200.000 đồng/ngày. Bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế, chị Toàn còn là hội viên gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào do Chi hội phụ nữ bản Bó Phương phát động.

Chị Toàn là phụ nữ duy nhất của huyện Yên Châu được UBND tỉnh tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào phụ nữ các dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, giai đoạn 2014-2017”. Đồng thời, đạt danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc về phát triển kinh tế năm 2017” cấp huyện, cấp xã, được Hội LHPN tỉnh đề nghị Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới