Người phụ nữ dân tộc Thái đoạt giải thưởng KOVA

Nhiều năm qua, nhiều người dân của huyện Thuận Châu thường nhắc đến người phụ nữ dân tộc Thái có việc làm tử tế, tấm lòng nhân hậu đã nhận nuôi, cưu mang nhiều em nhỏ mồ côi và các em hoàn cảnh gia đình khó khăn đó là chị là Lò Thị Lên, bản Thẳm B, xã Tông Lạnh, là một trong những gương mặt tiêu biểu của cả nước vừa được nhận giải thưởng KoVa. Giải thưởng thường niên dành để tôn vinh những nhân tố xuất sắc của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Chị Lò Thị Lên quây quần bên các con.

Trong bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Thái, với nụ cười hiền hậu, người mẹ của 2 con đẻ, 7 con nuôi khiến tôi thực sự ấn tượng. Trong căn nhà khang trang, ấm cúng, cầm trên tay bức ảnh của đại gia đình, chị kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về từng đứa con nuôi của mình, cũng những ngày tháng khó khăn của hơn 10 năm về trước: Năm 18 tuổi, tôi về làm dâu ở bản Thẳm B, trong gia đình có 3 thế hệ và 6 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu trông vào mấy trăm mét ruộng, mùa giáp hạt năm nào cũng bị thiếu đói, cái nghèo đeo bám gia đình. Bấy giờ, ở gần nhà có cháu Lường Văn Lượng thường sang chơi, gia đình hoàn cảnh, bố đi tù, mẹ không có việc làm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Thương cháu, tôi đã bàn với chồng xin phép gia đình và chính quyền địa phương đón cháu Lượng về chăm lo cho cháu ăn học đầy đủ, nay cháu Lượng đã 24 tuổi. Có lẽ cái duyên về con nuôi bắt đầu từ đó, ít lâu sau, thấy hoàn cảnh cháu Quàng Văn Khánh ở cùng bản, bố mất sớm, nhà nghèo đông con, nên tôi nhận cháu Khánh khi mới tròn 2 tuổi về nuôi, đỡ đần cho mẹ cháu phần nào việc chăm lo cho các cháu. Đặc biệt nhất, là trường hợp của cháu Quàng Thị Mai Ngọc, bản Huổi Cuổi, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai), bố cháu nghiện rượu, nhà rất nghèo. Từ lúc 4 tuổi, Ngọc đã phải theo mẹ ra đồng mò cua, bắt ốc, hái quả để mang ra chợ bán. Lớn hơn chút, ngoài giờ học, Ngọc đi chăn bò thuê để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Do nhà quá nghèo không nuôi nổi cả 3 đứa con, nên bố mẹ Ngọc quyết định cho cháu Ngọc đi làm con nuôi để có cuộc sống tốt hơn.

Tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình chị Lên, khiến tôi càng trân trọng, khâm phục người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu. Không phải là người dư rả tiền của, chị Lên và gia đình cũng trải qua thời gian dài vất vả mưu sinh, tích cóp gây dựng cơ nghiệp. Năm 1997, gia đình chị vay 15 triệu đồng của Hội Nông dân để mua 1 cặp bò giống và 6 con lợn làm vốn, nhờ cần cù, chịu khó mà kinh tế gia đình dần dần đi lên. Năm 2002, được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, xã tạo điều kiện cho chị vay 30 triệu đồng để mua thêm bò sinh sản, giống cỏ voi về trồng. Từ tiền bán bò, chị đầu tư nuôi thêm lợn và nấu rượu. Tích góp được vốn, năm 2008, chị đã mạnh dạn tìm mối nhập quần áo may sẵn về bán với hình thức phân phối cho một số chị em đi bán lẻ tại các xã vùng sâu, vùng xa. Tiếng lành đồn xa nên cửa hàng bán quần áo của chị luôn tấp nập người mua. Vừa duy trì đàn bò, vừa kinh doanh quần áo, gia đình chị thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm. Gia đình chị đã xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang, 1 cửa hàng quần áo. Năm 2017, chị tiếp tục đầu tư thêm một cửa hàng kinh doanh đồ uống, một quầy bán gạo, phân bón và một quầy kinh doanh quần áo may sẵn...

Kinh tế gia đình ổn định, cùng với tình yêu thương vô bờ bến dành cho con trẻ, chị Lên đã chăm lo, săn sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho 7 đứa con mà không phải mình dứt ruột đẻ ra, từ đứa nhỏ nhất chập chững biết đi, nay đã lớn khôn, trưởng thành, 3 cháu đã lập gia đình, còn 4 cháu đang đi học tại các trường cấp 1, cấp 2 của xã. Bên cạnh đó, chị còn luôn quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn khác. Tại nhiều buổi sinh hoạt Chi hội, chị đã chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế và hỗ trợ cho chị em trong vùng vay từ 5 - 10 triệu đồng không lãi để phát triển kinh tế; hỗ trợ 4 con bò sinh sản cho 4 hộ chị em có hoàn cảnh khó khăn; hằng năm, hỗ trợ 400 bộ quần áo cho 200 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ cho vay gạo, phân bón không tính lãi đối với những hộ nghèo, cận nghèo trong bản...

Vừa qua tại Hà Nội, chị Lò Thị Lên đã vinh dự là 1 trong 3 người tiêu biểu toàn quốc nhận Giải thưởng KOVA vì có hành động đẹp ở hạng mục “Sống đẹp”. Chị Lò Thị Lên thực sự là  tấm gương sáng về lòng nhân ái, là bông hoa đẹp giữa đời thường trên vùng núi Tây Bắc.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới