Người nhiễm biến chủng Delta có triệu chứng thế nào?

Giai đoạn ủ bệnh của người mắc Covid-19 thường kéo dài 2-14 ngày, trung bình là 5-7 ngày. Trong đó, người nhiễm biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

(Ảnh minh họa)

Câu hỏi: Hiện nay có nhiều biến chủng của SARS-CoV-2. Làm thế nào để phân biệt được triệu chứng khi nhiễm biến chủng Delta?

Trả lời: 

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 (cập nhật lần thứ 7) ban hành cùng Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 6/10 của Bộ Y tế, giai đoạn ủ bệnh của người mắc Covid-19 thường kéo dài 2-14 ngày, trung bình là 5-7 ngày. Trong đó, người nhiễm biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

Đặc điểm khác nhau giữa người nhiễm biến chủng Delta và Alpha ở giai đoạn khởi phát như sau:

Thời gian ủ bệnh: từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày, thể Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

- Khởi phát:

+ Chủng Alpha: Sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng…

+ Chủng mới (Delta): đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy, khó thở, đau cơ.

- Diễn biến:

+ Đối với thể Alpha: 80% có triệu chứng nhẹ, 20% bệnh nhân diễn biến nặng và diễn biến nặng thường khoảng 5-10 ngày và 5% cần phải điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với biểu hiện suy hô hấp cấp, tổn thương phổi do Covid-19, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng cơ quan bao gồm tổn thương thận cấp, tổn thương não, tổn thương tim và dẫn đến tử vong.

+ Đối với thể Delta: tỷ lệ nhập viện cấp cứu 5,7% (cao hơn 4,2% Alpha), tỷ lệ nhập viện, nhập ICU và tử vong tăng hơn trước. Ngoài ra chủng Delta liên quan đến tăng mức độ nặng của bệnh biểu hiện bởi tăng nhu cầu ô-xy, nhập ICU hoặc tử vong so với những chủng khác. Ngoài ra chủng Delta có tải lượng virus cao hơn 1.260 lần so với 19A/19B và khả năng lây cao hơn 15-20% so với chủng khác.

Giai đoạn toàn phát (thời kỳ bệnh nhân biểu hiện đầy đủ các triệu chứng lâm sàng) ở các biến chủng đều là 4-5 ngày.

F0 sẽ bị ho nhiều hơn, đau ngực, cảm giác ngạt thở, sợ hãi, tùy mức độ bệnh nhân, thở sâu, phổi thường không rale, mạch thường không nhanh. Khoảng 5-10% bệnh nhân có thể giảm ô-xy máu thầm lặng. Những trường hợp này bệnh nhân không có cảm giác khó thở nhưng SpO2 giảm rất dễ bị bỏ qua.

Thể nặng của bệnh có biểu hiện giống hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS):

+ Mức độ trung bình: Khó thở tần số thở >20 lần/phút và/hoặc SpO2 94-96%.

+ Mức độ nặng nhịp thở >25 lần/phút và/hoặc SpO2 <94%, cần cung cấp ô-xy hoặc thở máy dòng cao hoặc thở không xâm nhập.

+ Mức độ nguy kịch nhịp thở >30 lần/phút có dấu hiệu suy hô hấp nặng với thở gắng sức nhiều, thở bất thường hoặc chậm <10 lần/phút hoặc bệnh nhân tím tái, cần hỗ trợ hô hấp ngay với đặt ống nội khí quản thở máy xâm lấn.

+ Một số triệu chứng khác: Ho ra máu, tràn khí, dịch màng phổi (do hoại tử nhu mô).

Ngoài ra, người bệnh còn gặp một số tổn thương ở gan, thận, da, thần kinh, nội tiết, dạ dày - ruột...

Ở giai đoạn hồi phục:

- Trường hợp nhẹ và trung bình, sau 7-10 ngày, bệnh nhân hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài.

- Những trường hợp nặng: Biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 2-3 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng.

- Những trường hợp nguy kịch: Có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài.

- Một số trường hợp sau nhiễm SARS-CoV-2, gặp các rối loạn kéo dài: Bệnh lý tự miễn, hội chứng thực bào...

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới