Người “nhạc sỹ” Bộ đội cụ Hồ

Chúng tôi đến thăm ông Phạm Hồng Hà vào một buổi sáng đầu tháng 3. Trong căn nhà ở tổ 12, phường Tô Hiệu (Thành phố), người “nhạc sỹ” già đang cặm cụi với những ý tưởng, tác phẩm mới, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, lòng thành kính với Bác Hồ và sự đổi thay của mảnh đất, con người Sơn La.

Ông Phạm Hồng Hà - “nhạc sỹ” Bộ đội Cụ Hồ.

Sinh ra tại thôn Ngọc, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, chàng thiếu niên Phạm Hồng Hà lúc ấy đã có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc. Năm 1956, ông đã viết ca khúc đầu tay với tựa đề “Mùa xuân đến”. Tác phẩm này của ông đã được nhạc sỹ Đỗ Nhuận đánh giá, góp ý và hướng dẫn, hoàn thiện. Tiếp nối cảm hứng từ bài hát “Mùa xuân đến”, ông đã sáng tác một loạt các ca khúc “Người thiếu nữ trên công trường”, “Cánh tay tôi”, “Bài ca được mùa”, “Dưới cờ Đảng”... 

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, năm 1965, khi đang công tác tại Ty Giáo dục Sơn La, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã lên đường nhập ngũ và được biên chế vào lực lượng trinh sát Quân khu Tây Bắc, chiến đấu ở chiến trường Bắc Lào. Trong 5 năm, ông đã tham gia 17 trận đánh lớn nhỏ. Ông luôn nhắc nhở bản thân: Là người lính phải hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, từ công tác trinh sát, nắm tình hình địch, giúp dân lao động sản xuất, đến xây dựng cơ sở cách mạng... Chứng kiến sự chiến đấu kiên cường, anh dũng cùng những hy sinh, mất mát của đồng đội, trong thời kỳ này, ông đã sáng tác bài “Đoàn quân ta đi” và “Tiếng gọi lên đường”. Các tác phẩm của ông đã được đồng đội đón nhận, trở thành một trong những bài ca đi cùng họ suốt những năm tháng bão lửa và cũng là lời hối thúc, giục giã, kêu gọi thế hệ trẻ lên đường giải phóng nước nhà, giành độc lập, tự do.

Năm 1970, ông được phân công về Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, phụ trách công tác tuyên huấn, thi đua, công tác quân sự địa phương, chuẩn bị lực lượng cho tiền tuyến. Đến năm 1994, sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục nhận công tác Hội Cựu chiến binh tỉnh và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội từ năm 1996 đến 2012. Với bản chất Bộ đội Cụ Hồ, ông luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác Hội, thường xuyên đến thăm hỏi các cựu chiến binh, động viên anh em tham gia xây dựng địa phương, xóa đói, giảm nghèo. Trong thời gian này, ông đã sáng tác bài hát “Anh là cựu chiến binh”, bài hát được các cựu chiến binh đón nhận, thường xuyên biểu diễn trong mỗi dịp giao lưu, gặp mặt, lễ kỷ niệm. Dù đã gần 80 tuổi, nhưng ông vẫn cố gắng tiếp cận với máy tính, sử dụng thành thạo các phần mềm soạn nhạc, các ứng dụng trên Internet, mạng xã hội để phục vụ quá trình sáng tác. Tính đến nay, ông đã sáng tác 25 ca khúc, với các nội dung ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước. Với những đóng góp của mình, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm Bác Hồ cùng Đoàn công tác của Trung ương lên thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La, ông đã ấp ủ sáng tác một ca khúc. Ông tâm sự: Tôi lên Sơn La đã được gần 60 năm, chứng kiến biết bao đổi thay, từ một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đến nay Sơn La đã có bước phát triển vượt bậc, đó là nguồn cảm hứng cho tôi sáng tác ca khúc "Sơn La làm theo lời Bác". Với phong cách nhẹ nhàng, phấn khởi, tự hào, ca khúc “Sơn La làm theo lời Bác” đã gắn quyện thời gian, không gian trong lịch sử, hình ảnh Bác Hồ được thể hiện trong lời bài hát là ánh sáng, niềm tin dẫn đường, chỉ lối cho nhân dân. Vâng lời dạy của Bác, nhân dân các dân tộc Sơn la đã đoàn kết, cùng nhau thi đua, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nói về các tác phẩm của ông Phạm Hồng Hà, NSUT Minh Quang, Đoàn văn công Quân khu II chia sẻ: Được tiếp xúc và thể hiện một số ca khúc của tác giả Hồng Hà, tôi thấy những tác phẩm của ông giai điệu giàu cảm xúc, thể hiện tâm hồn lãng mạn, bay bổng và tinh tế. Tôi thường biểu diễn các ca khúc của ông trong một số sự kiện và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Trải qua bao thăng trầm, âm nhạc của cựu chiến binh Phạm Hồng Hà vẫn giữ được nét tinh tế, nhạy bén nhưng cũng rất dung dị, gần gũi với công chúng. Tuy chưa được công nhận danh hiệu nhạc sỹ, nhưng những người bạn, người thân và đồng đội của ông vẫn gọi ông với cái tên thân thương là “nhạc sỹ” Hồng Hà hay “nhạc sỹ” bộ đội Cụ Hồ. Ông  là tấm gương sáng truyền lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ học và noi theo.

Thủy Tiên (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới