Người mang về “mùa vàng” cho cà phê Sơn La

Từng ra Bắc vào Nam hành nghề thợ cơ khí, đã chế tạo hàng trăm máy xay sát, nhưng ông vẫn chưa được nhiều người biết đến tay nghề. Năm 1996, ông Nguyễn Xuân Thao trở về an cư lập nghiệp tại bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La (Thành phố) thủ phủ trồng cà phê của Sơn La. Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, năm 2016, ông đã chính thức trình làng máy bóc tách vỏ cà phê liên hoàn. Ngay sau đó, sản phẩm được hàng trăm hộ dân trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt mua, mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng.

 Máy bóc tách vỏ cà phê do ông Nguyễn Xuân Thao sáng chế.

Từ thợ cơ khí đến ông chủ máy bóc tách vỏ cà phê liên hoàn

Như đã hẹn trước, 7 giờ sáng một ngày đầu tháng 8, tôi tới thăm xưởng sản xuất HTX cà phê Bích Thao, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La (Thành phố). Từ ngoài cổng vào trong nhà xưởng, nguyên liệu chế tạo máy bóc tách cà phê đặt kín đường đi, bên trong có 2 người thợ đang gia công chế tạo máy. Ông Thao niềm nở: Trước khi bắt đầu công việc, mời phóng viên thưởng thức một ly cà phê. Nói rồi ông lấy trong hộp một nắm hạt cà phê thóc cho vào máy pha cà phê, chưa đầy 1 phút, dòng sữa cà phê mầu cánh dán đã chảy vào chiếc cốc sứ mầu trắng tỏa hương thơm đậm đà, phía trên mặt cốc phủ một lớp váng cà phê, nhìn thật hấp dẫn. Vừa pha, ông vừa giới thiệu: Cà phê Arabica của Sơn La thơm ngon, hương vị rất đậm đà. Pha bằng máy ngon nhất, điều hay là chiếc máy pha cà phê cho biết cà phê sạch hay không sạch, vì cà phê bẩn vào, máy sẽ không hoạt động.

Ngồi thưởng thức ly cà phê thơm ngon vào buổi sáng sớm trong tiết trời thu se lạnh, tôi được ông kể về con đường lập nghiệp nhiều thăng trầm. Vốn quê gốc Hưng Yên, năm 1962, nghe theo tiếng gọi của Đảng lên Tây Bắc xây dựng vùng kinh tế mới, ông theo gia đình ông lên an cư lập nghiệp tại bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La (Thành phố). Lớn lên, ông theo học nghề cơ khí, rồi vào làm việc tại HTX cơ khí Đồng Tiến, phường Quyết Tâm (Thành phố). Năm 1987, ông chuyển vào Lâm Đồng, trên đất khách, ông từng ghi dấu ấn khi góp phần chế tạo hàng trăm máy xay sát cung cấp cho nông dân. Sau gần 9 năm, đến năm 1996, ông quyết định trở về Sơn La mở xưởng cơ khí và gắn bó với nghề trồng cà phê.

Năm nay, ông Thao gần 60 tuổi, có hơn 20 năm gắn bó với cây cà phê. Ông Thao kể tiếp: Cây cà phê rất thích hợp với điều kiện khí hậu, chất đất ở Sơn La. Nhưng từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế, người nông dân phải tốn không ít mồ hôi, công sức. Trong đó, khâu bóc tách cà phê quả tươi là công đoạn vất vả nhất. Trước đây, gia đình tôi và nhiều hộ trong bản sử dụng phương pháp sơ chế ướt. Phương pháp này cho chất lượng cà phê giữ nguyên hương vị và giá trị thương mại cao hơn so với phương pháp phơi khô tự nhiên và sơ chế bán ướt. Nhưng có nhược điểm là, quy trình sơ chế cần rất nhiều nước và cà phê dễ bị lên men chua nếu như ngâm nước quá lâu.

Chính sự vất vả của gia đình và người dân nơi đây khiến ông luôn trăn trở tìm cách giải phóng sức lao động cho người dân. Năm 2015, ông bắt tay vào chế tạo cải tiến máy bóc tách vỏ cà phê. Ban đầu ông tìm mua máy bóc tách cà phê bị hỏng về cặm cụi hàng tháng trời tháo ra, lắp vào để tìm hiểu nguyên lý hoạt động. Sau gần 1 năm miệt mài nghiên cứu, đầu năm 2016, ông chính thức trình làng chiếc máy bóc tách vỏ cà phê làm bằng thép tấm, thép hình V5, gồm có 7 bộ phận: Vít tải cà phê, thùng rửa quả cà phê, lọc sạn đá, thùng chứa nước, cối tách vỏ cà phê tươi, quạt vỏ cà phê, sàng phân loại cà phê, vít đãi hạt cà phê.

Hỏi về nguyên lý hoạt động của máy, ông đưa ra chiếc máy vừa chế tạo xong và say sưa thuyết trình từng bộ phận: Máy bóc tách vỏ cà phê hoạt động bằng điện, sử dụng nước để bóc tách. Tuy nhiên, máy được cải tiến, chế tạo thành máy liên hoàn nên hiệu quả hơn. Những quả cà phê tươi khi vít tải lên, đưa vào thùng để tách đá, sạn và rửa quả rồi mới chuyển qua sàng để tách nước, rửa quả. Tại đây, nước rửa quả lọt qua sàng vào thùng chứa được bơm tuần hoàn trở lại thùng tái sử dụng để rửa quả. Sau khi cà phê được rửa, đưa vào cối để tách vỏ, đầu ra của cối có quạt gió phân tách vỏ quả với hạt. Sau khi tách vỏ, hạt cà phê được đưa sang phân loại, những hạt cà phê đạt tiêu chuẩn ra khỏi sàng phân loại được vít đãi rửa quả đặt chìm trong nước hoặc nước phun ra từ ống lõi để rửa, tách nhớt trước khi đưa ra sân phơi.

Chỉ với việc cải tiến một vài chi tiết, chiếc máy bóc tách vỏ cà phê liên hoàn của ông Thao cùng một lúc giúp người nông dân vừa bóc tách quả cà phê tươi, vừa sàng lọc, phân loại chất lượng cà phê thóc giúp người nông dân giảm chi phí thuê nhân công, tiền nước, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm đáng kể lượng nước thải ra ngoài môi trường.

Sáng chế tạo nên những “mùa vàng” cà phê

Sơn La được biết đến là tỉnh có diện tích  thâm canh cà phê Arabica lớn nhất cả nước, được trồng tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp và Thành phố với gần 20.000 ha, sản lượng trên 30.000 tấn/năm. Cà phê Arabica Sơn La được các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đánh giá có hương vị đậm đặc, không thua kém gì chất lượng cà phê Arabica của Bzaxin. Tuy nhiên, chất lượng lại không đi kèm với hiệu quả kinh tế, một trong những nguyên nhân chính do quy trình sơ chế theo phương pháp thủ công.

Rời chiếc máy do ông Thao sáng chế ra, chúng tôi đi tham quan những hộ dân đang hưởng lợi từ máy bóc tách vỏ cà phê liên hoàn. Gặp bà Nguyễn Thị Phiêu, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La (Thành phố). Bà Phiêu phấn khởi: Gia đình tôi có 3 ha cà phê, trung bình mỗi năm thu hoạch được trên 90 tấn quả tươi. Năm 2016, tôi đã mua máy bóc tách cà phê của HTX Bích Thao với giá hơn 40 triệu đồng. Từ ngày có máy, tiết kiệm hàng chục triệu đồng tiền thuê nhân công, tiền nước. Trước đây, bóc tách, phân loại cà phê bằng phương pháp thủ công, trung bình mỗi ngày gia đình tôi phải thuê 2 đến 3 nhân công với giá từ 150 đến 200 nghìn đồng/người/ngày, chưa kể tiền nuôi ăn; người nhà vẫn phải cùng làm để giám sát, vất vả như vậy, mà ngày nào cao lắm cũng chỉ bóc tách được 2, 3 tấn quả tươi. Còn chiếc máy bóc tách cà phê chỉ cần một người đứng máy, sau 1 tiếng đã phân loại được 8 tấn quả. Cũng nhờ bóc tách, phân loại bằng máy, sản phẩm cà phê đẹp về mẫu mã, đều hạt, được tư thương thu mua cao hơn những hộ sơ chế bằng phương pháp thủ công từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg cà phê thóc. 

Cách nhà bà Phiêu khoảng 2 km là hộ ông Cà Văn Chơ, bản Tong Chinh, xã Chiềng Ban (Mai Sơn). Biết chúng tôi thăm quan tìm hiểu về quy trình bóc tách vỏ cà phê, ông Chơ nói luôn: Cả bản và xã đều cảm ơn ông Thao rất nhiều, nhờ có máy bóc tách cà phê của ông ấy mà vụ cà phê vừa qua, gia đình mình thu mua, sơ chế được trên 3.000 tấn quả tươi. Hiện, trên thị trường có nhiều máy bóc tách cà phê nhưng nhiều năm nay tôi chỉ lựa chọn máy của HTX Bích Thao vì giá thành hợp lý. Trên thị trường hiện nay, 1 chiếc máy bóc tách cà phê giá trên 50 triệu đồng mà công suất có 2,4 tấn/giờ, còn máy do xưởng của ông Thao sản xuất bóc tách được 8 tấn/giờ, hơn gấp 3 lần, giá cũng chỉ từ 40 đến 50 triệu đồng/máy. Ngoài ra, ở khu vực này, nước sinh hoạt còn khó chứ nói gì đến nước sản xuất, nhiều hộ sơ chế theo phương pháp thủ công phải trả hàng triệu tiền nước mỗi tháng. Từ khi sử dụng máy bóc tách cà phê Bích Thao, môi trường xung quanh không còn bị ô nhiễm do việc xả, thải chất thải cà phê, bởi chiếc máy do ông Thao sáng chế chỉ sử dụng từ 0,5 đến 0,7 m3 nước/tấn, trong khi các máy bóc tách cà phê trên thị trường ngốn hết 3 m3 nước/tấn.

Tiếng lành đồn xa, nhiều hộ dân ở tận các tỉnh Quảng Trị, Điện Biên đã đến đặt mua máy bóc tách cà phê liên hoàn do HTX của ông Thao sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm HTX nhận khoảng 300 đến 400 đơn hàng, mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng cho HTX.

Ông Thao kiểm tra sản phẩm cà phê xuất khẩu.

Khát vọng đưa hương cà phê Sơn La bay xa

Với những ưu điểm chiếc máy bóc tách vỏ cà phê mang lại, năm 2017, HTX cà phê Bích Thao được Chủ tịch UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh cho sản phẩm máy bóc tách vỏ cà phê. Hiện nay, chiếc máy do ông chế tạo được tỉnh chọn đưa đi tham gia bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp Trung ương.

Nhờ những sáng chế, cải tiến kỹ thuật của máy bóc tách vỏ cà phê nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ngày một phát triển. Hiện nay, HTX có 11 thành viên, với quy mô trên 10 héc ta. Ngoài ra, HTX còn ký kết bao tiêu sản phẩm với 300 hộ nông dân, với gần 1.000 héc ta. Niên vụ cà phê 2017 - 2018, HTX đã thu mua sơ chế và tiêu thụ trên 11.000 tấn cà phê thóc, trong đó xuất khẩu sang thị trường Đức 9 tấn; Mỹ 60 tấn; Thái Lan 40 tấn. Hiện nay, HTX đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm cà phê thóc, cà phê nhân, cà phê rang và cà phê bột. Ngoài ra, HTX còn mở thêm dịch vụ cung cấp các nông cụ phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê cho nông dân.

Với tình yêu dành cho những hạt cà phê thơm ngon mang đặc trưng Sơn La, trên cương vị Giám đốc HTX, ông Thao còn chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, sản phẩm cà phê; xây dựng và phát triển cà phê theo chuỗi khép kín từ trồng, chăm sóc, chế biến. Hiện nay, HTX cà phê Bích Thao đang phối hợp với sở, ngành chức năng của tỉnh, thành phố xây dựng quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ để nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê.

Dù tuổi đã cao, song nỗi trăn trở về hướng phát triển cây cà phê trở thành cây trồng bền vững cho người dân vẫn còn đau đáu trong ông. Niềm vui đến với hợp tác xã - trung tuần tháng 8/2018, HTX cà phê Bích Thao là một trong ba HTX được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương cấp “Chỉ dẫn địa lý cà phê Arabica Sơn La”. Cùng với đó, HTX đang tiến hành trồng thử nghiệm giống cà phê TH1. Đây là giống cà phê cho năng suất cao, đạt từ 25 đến 30 tấn quả tươi/ha, trong đó sản lượng cà phê loại A đạt tới 60% thay vì 30% như cà phê Arabica hiện nay.

Với định hướng chiến lược sản xuất, kinh doanh “Làm chủ công nghệ, luôn đi trước đón đầu cơ hội”, ông Thao và các thành viên HTX cà phê Bích Thao sẽ ngày một phát triển, mang về những “Mùa vàng” cho cà phê Sơn La.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới