Người lưu giữ và truyền dạy nét đẹp văn hóa dân tộc Thái

Nhà thơ Lò Xuân Thương sinh ra và lớn lên tại xã Púng Tra, huyện Thuận Châu, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nơi xuất xứ các tác phẩm trường ca Thái nổi tiếng như: “Sống chụ xon sao”, “Hiến Hom”, “Khun Lú- Nàng Ủa”, Inh Éng... vùng quê của những điệu múa xoè uyển chuyển và những làn điệu dân ca Thái mượt mà sâu lắng. Chính vì vậy, ngay từ thủa thiếu thời nhà thơ Lò Xuân Thương luôn tự hào, đam mê và đắm mình trong nền văn hoá Thái.

 

Ông Lò Xuân Thương sưu tầm, sáng tác những tác phẩm văn hoá Thái.

 

Năm 1958, nhà thơ Lò Xuân Thương là một giáo viên tiểu học, sau đó ông giữ các chức vụ: Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy xã Púng Tra, Bí thư Huyện Đoàn, Trưởng Phòng Lâm nghiệp, Trưởng Ban Tuyên giáo,Trường Phòng Văn hoá huyện Thuận Châu. Dù ở vị trí, công việc nào ông vẫn là nghệ nhân của bản, trên cái nền văn hoá dân gian của dân tộc Thái và năng khiếu bẩm sinh, ông đã tham gia vào phong trào sáng tác thơ ca phục vụ kháng chiến kiến quốc. Ông là hội viên hội VHNT tỉnh, nguyên là Chi hội trưởng chi hội VHNT huyện Thuận Châu, là cộng tác viên tiêu biểu của chương trình văn nghệ đài PT-TH tỉnh và Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực TâyBắc.

Từ 2 tác phẩm đầu tay sáng tác năm 1958: “Dệt ná song múa” (Sản xuất ruộng hai vụ), “Dệt chảu chom hợp tác xã” (Làm chủ tập thể), đến nay, ông đã có gần 300 bài thơ song ngữ sáng tác trực tiếp bằng tiếng Thái, nội dung chủ yếu ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương, đất nước; cổ vũ phong trào say sưa lao động sản xuất, truyền thống yêu nước cách mạng của dân tộc ta; đả kích những mặt sai trái tiêu cực trong xã hội. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, với tinh thần: “Lấy tiếng hát át tiếng bom” những bài ca của ông sáng tác đã được các nghệ nhân thể hiện, qua sóng phát thanh của Đài khu Tây Bắc đã “bay” tới các chiến trường, góp phần động viên tiếp sức chiến đấu cho các chiến sỹ nơi mặt trận. Thơ ông sáng tác trong sự đổi thay của đất nước phải kể đến các bài: “Cây Ban trên nương”, “Em tắm trăng”, “Đường về quê nọng”, “Dáng đẹp sông Đà”, “Núi Mường Phăng”, đặc biệt là bài trường ca: “Sơn La quê em bừng ánh điện”, “Mường Thanh anh hùng”....Cảm xúc chủ đạo của thơ ông là viết về những đổi thay của quê hương, mường bản, tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác của tỉnh như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “ Cuộc sống mới trên bản di dân tái định cư thủy  điện Sơn La”, toàn dân tham gia  phòng chống ma tuý và phong trào xây dựng nông thôn mới. Đề tài nào, lĩnh vực nào cũng được ông phản ánh đầy đủ, chân thật và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Có thể nói, thơ ông giàu hình tượng, mang đậm chất trữ tình và tính nhân văn, mỗi bài thơ được phát hành đều được khán thính giả, độc giả và những người yêu thơ, yêu ca hát đón nhận. 

Với sự miệt mài, dày công sáng tác, ông đã giành được gần 20 giải thưởng lớn, nhỏ qua các cuộc vận động sáng tác do tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật Sơn La tổ chức, ghi nhận những thành tích đó, ông đã vinh dự được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hoá” và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương, của tỉnh, huyện của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Năm 2016, ông vinh dự được Nhà nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Hiện, Nghệ nhân ưu tú  Lò Xuân Thương đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông luôn trăn trở về nền văn hoá dân tộc Thái sau này dần sẽ bị mai một. Bởi, lớp trẻ thời nay ít người am hiểu về văn hoá Thái, ít học và sử dụng chữ Thái, sáng tác bằng tiếng Thái lại càng hiếm. Trước thực tế đó, nguyện vọng của ông là truyền dạy những kinh nghiệm, những nét đẹp tinh tuý nhất của nền văn hoá Thái cho lớp trẻ là con em dân tộc Thái biết đọc, biết viết, biết sáng tác thơ ca bằng tiếng dân tộc, hướng cho lớp trẻ có sự đam mê, yêu quí, trân trọng và giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Hơn lúc nào hết, ông luôn tìm tòi, tập hợp, sưu tầm, chép lại những tác phẩm hay, những tác phẩm trường ca nổi tiếng có giá trị nghệ thuật để làm kho  tư liệu quí giá cho đời sau, mới đây ông đã được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tập hợp xuất bản tập thơ song ngữ Thái- Việt: “Cây ban trên nương” gần 200 bài và đã được đồng bào các dân tộc Sơn La đón nhận. Bề dày sáng tạo nghệ thuật của ông đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Cà Thị Hoan (Đài PT-TH tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới