Người bạn thân thiết của đồng bào các dân tộc huyện Mường La

40 năm qua, Đài TT-TH Mường La có bước phát triển cả về quy mô sự nghiệp và chất lượng công tác tuyên truyền; phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh và thực sự là người bạn thân thiết của đồng bào các dân tộc huyện Mường La.

 

Cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Đài TT-TH Mường La xây dựng chương trình truyền hình.

 

Tháng 5 năm 1978, Đài Truyền thanh Mường La được thành lập, với 5 biên chế, trang thiết bị chỉ có 2 km đường dây và 4 loa công cộng. Ngày 19/5/1992, những thiết bị truyền hình đầu tiên được đưa vào lắp đặt, đánh dấu sự hình thành và phát triển truyền thanh, truyền hình (TT-TH) của huyện Mường La và từ đây, Đài được đổi tên thành Đài TT-TH Mường La. Những năm qua, Đài TT-TH Mường La từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, phát triển mạng lưới TT-TH cơ sở. Hiện nay, Đài đang quản lý khai thác trên 80 bộ thu phát thanh FM tự động, nhất là 30 cụm thu phát thanh không dây, sử dụng năng lượng mặt trời, đáp ứng hiệu quả công tác tuyên truyền ở những địa bàn khó khăn chưa có điện lưới quốc gia; quản lý khai thác 9 trạm thu phát lại truyền hình. Đặc biệt, Đài TT-TH Mường La là đơn vị đầu tiên của tỉnh được đầu tư và khai thác thiết bị số hóa mặt đất với 3 trạm thiết bị số. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hầu hết nhà trực phát sóng ở các trạm đều đã xuống cấp, do phụ thuộc vào các xã bố trí, chủ yếu là nhượng lại các công trình đã qua sử dụng lâu năm; hiện trạm Chiềng Ân chưa có nhà phải nhờ Bưu điện. Mặt khác, mỗi trạm chỉ có 2 người trực phát sóng, (4/9 trạm cơ sở mới có 1 người), nên cán bộ chịu áp lực lớn về thời gian trực.

Đội ngũ cán bộ, viên chức của Đài không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ. Hiện, Đài có 25 cán bộ, viên chức; xây dựng 1 chương trình phát thanh/ngày; sản xuất 2 chương trình phát thanh bằng 2 thứ tiếng Thái và Phổ thông vào các ngày thứ 2, 4, 6; mỗi tuần xây dựng 2 chương trình truyền hình với thời lượng 30 phút/chương trình. Ngoài ra, mỗi tuần sản xuất 2 chuyên đề, xây dựng 1 trang cơ sở phát trên sóng Đài PT-TH tỉnh; các tin, bài quan trọng được gửi cộng tác với các cơ quan báo chí của Trung ương, của tỉnh.

Trao đổi với chị Đỗ Thị Như, Trưởng Đài, được biết: Đài có khả năng thực hiện phát thanh và truyền hình trực tiếp phục vụ các sự kiện lớn của địa phương; chất lượng và tính thời sự các chương trình ngày càng được nâng lên. Như ngay đêm xảy ra trận lũ lịch sử đầu tháng 8 năm 2017, Đài đã cử phóng viên có mặt tại vùng ảnh hưởng để thông tin kịp thời. Phân công kỹ thuật viên trực 24/24h; xây dựng 2 chương trình PT và TH hằng ngày trong suốt cả tháng để phản ánh đời sống bà con vùng lũ, cũng như kịp thời thông tin công tác lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Anh Lò Sươi, với thời gian 28 năm công tác tại Đài TT-TH huyện Mường La đã đặt dấu chân tới toàn bộ 288 bản, tiểu khu của các xã, thị trấn trên địa bàn. Anh tâm sự: Năm 1990, tôi mới vào đài. Ngày đó, đi công tác chủ yếu là đi bộ một đến hai ngày đường mới đến trung tâm xã, nếu đi vùng cao thì phải mất gần tuần mới về đến cơ quan. Nghề báo vất vả là vậy, song, niềm vui trong công việc và được cống hiến đã giúp chúng tôi trưởng thành và yêu nghề hơn.

Còn nữ phóng viên trẻ Thùy Ninh vào công tác tại Đài năm 2014, vốn là người Thành phố chưa biết đường sá ở Mường La, nhưng ngay năm đó đã đi đến hết các xã trong huyện để tác nghiệp. Phóng viên Thùy Ninh chia sẻ: Nhiều chuyến công tác đến các xã vùng cao, như Chiềng Ân, Ngọc Chiến, Chiềng Công vào mùa mưa, nhiều đoạn phải dắt xe hoặc gửi xe nhà dân rồi đi bộ, thậm chí bị ngã bẩn hết quần áo nhưng vẫn đi làm tiếp. Các phóng viên đi tác nghiệp mà bị ngã, hoặc gặp trời mưa thì chỉ lo bảo vệ máy quay. Vất vả là vậy, nhưng mỗi khi tác phẩm được phát sóng, nhận được sự phản hồi tích cực của cơ sở bằng những tin nhắn, cuộc điện thoại động viên lại có thêm động lực gắn bó, yêu nghề báo hơn.

40 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Đài TT-TH Mường La luôn phát huy truyền thống đoàn kết, giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; vượt lên khó khăn, làm chủ công nghệ, trang thiết bị; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; luôn nỗ lực cống hiến, xây dựng để Đài xứng đáng là công cụ sắc bén và hiệu quả trên mặt trận chính trị, tư tưởng của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với dân, là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân trong huyện, góp phần nâng cao trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Minh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới