Nghề rèn trên đỉnh đèo Chẹn

Nghề rèn của đồng bào Mông ở huyện Bắc Yên là một trong những nghề thủ công truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Giờ đây, đến mỗi phiên chợ vùng cao, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những sản phẩm thủ công do người dân tự rèn, như: Cuốc, dao, liềm, lưỡi cày...

 

Anh Mùa A Súa duy trì nghề rèn thủ công truyền thống.

 

Dừng chân trên đỉnh đèo Chẹn, chúng tôi gặp gỡ và trò chuyện với anh Mùa A Súa, ở bản Chẹn, là người đã gắn bó với nghề rèn từ lâu, anh chia sẻ: Công việc đầu tiên của người thợ rèn là chuẩn bị than đốt và đắp lò. Khác với lò của người dưới xuôi, lò của người Mông được đắp bằng đất, mặt lò võng xuống để có thể cho than vào. Làm rèn phải theo một quy trình và cần có hai người, một người kéo bễ (bơm gió) để than trong lò cháy đều cung cấp nhiệt cho quá trình rèn và một người rèn, khi rèn cho sắt vào nung đỏ, đưa ra để lên đe dùng búa đập, sắt nguội lại cho vào lò nung, rồi đập tạo hình, mài… cứ như thế cho đến khi tạo ra được sản phẩm vừa ý.

 

Để rèn được một con dao hay những đồ dùng bằng sắt khác nhanh và đẹp từ hình dáng cũng như sử dụng tốt, thông thường có hai cách rèn chính. Có người rèn dao từ phần chuôi dao trước, rồi mới đến phần lưỡi. Nhưng có người thì ngược lại, khi nào rèn được phần lưỡi ưng ý người ta mới trau chuốt đến phần chuôi, đây là cách rèn hay được áp dụng nhiều nhất. Để rèn được một con dao sắc, người thợ có những nguyên tắc cơ bản, rất quan trọng đó là bí quyết chọn vật liệu. Vật liệu được chọn lọc từ những cây nhíp ô tô đã qua sử dụng chứ không lấy các loại sắt vụn thông thường. Bởi nhíp ô tô là loại thép có khả năng chịu lực tốt, dễ tạo hình và có độ bền cao. Nếu dùng không đúng chất liệu, dao sẽ kém chất lượng, không sắc bén, không bền.

 

Người Mông có một bí quyết riêng để tạo nên những sản phẩm có chất lượng cao, đó là khả năng nhìn màu sắt để đưa vào tôi. Có nhiều cách tôi sắt khác nhau, có loại sắt thì tôi bằng nước có bỏ một lượng muối vừa phải; có loại thì tôi bằng thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt. Khi tôi dao xong, người thợ chuyển sang công đoạn mài dao. Đây là công đoạn khá quan trọng, quyết định xem con dao có thật sự chất lượng hay không. Để mài được một lưỡi dao sắc đòi hỏi phải biết cách mài. Trước tiên, người thợ không mài vào lưỡi ngay mà phải mài từ ngoài bằng đá thô vào trong lưỡi, khi lưỡi mỏng mới mài phần lưỡi bằng đá mịn. Trong lúc mài phải chú ý đổ nước liên tục tránh mài đá khô hay ít nước, vì mài như vậy lưỡi dao sẽ nóng lên sẽ ảnh hưởng đến độ sắc, bền của lưỡi dao... Vỏ bọc dao của người Mông thường được chọn làm bằng gỗ thông, gỗ nhãn, bởi những loại gỗ này có vân đẹp, dễ tạo hình và có độ bền, bóng theo thời gian sử dụng.

 

Đưa chúng tôi xem những sản phẩm do chính anh làm ra, anh Súa tâm sự: Để rèn được một con dao thực sự rất vất vả, tốn nhiều thời gian với các công đoạn tỷ mỉ, nhưng lại không thể bán giá cao. Bởi bán giá cao, người dân không mua sản phẩm truyền thống của dân tộc Mông, mà tôi muốn gìn giữ nghề “cha truyền con nối” này, nên bán giá vừa phải để nhiều người dân mua. Hiện, mỗi một con dao có giá bán ra từ 300-500.000 tùy từng loại to, nhỏ và gỗ của vỏ bọc.

 

Là một trong những khách hàng lâu năm của anh Súa, anh Mùa A Ký, bản Bo Kéo, xã Chiềng Đông (Yên Châu) cho rằng: Cuộc sống ngày càng hiện đại, nên việc giữ gìn nghề rèn truyền thống của gia đình như anh Súa là điều đáng quý và đáng trân trọng. Anh cũng như các gia đình trong bản thường đặt mua dao, cuốc ở nhà ông Súa. Những sản phẩm do anh ấy làm ra không chỉ bền, đẹp, sắc mà còn thể hiện được tấm lòng của người muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Mông.

 

Có thể khẳng định, các sản phẩm từ nghề rèn nói chung và các sản phẩm khác của người Mông nói riêng rất nổi tiếng về độ bền, độc đáo, tinh xảo và cầu kỳ. Thế nhưng, trước sức ép cạnh tranh của các sản phẩm ngoài thị trường, cùng với nguy cơ thất truyền thì việc các sản phẩm này dần mai một và biến mất là điều dễ hiểu. Hiện nay, việc phát triển nghề truyền thống và để người làm nghề sống được với nghề là bài toán đang tìm lời giải của các địa phương. Rất cần có những chính sách, giải pháp phù hợp để lưu giữ và bảo tồn nghề rèn truyền thống của người Mông, để có thêm nhiều người sống được với nghề truyền thống và góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Đức Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới