Nghề làm giấy dó của người Dao Đỏ ở Chiềng Khay

Những ngày đầu năm Tân Sửu, chúng tôi đến bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) để tìm hiểu về nghề làm giấy dó truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Đỏ.

 

 

 

Lật lớp giấy vàng đã khô trên khuôn tre, bà Chảo Thị Nhính, người có nhiều kinh nghiệm làm giấy dó của bản Phiêng Bay, kể với chúng tôi: Không biết nghề làm giấy dó của người Dao Đỏ có từ bao giờ, khi tôi còn bé đã thấy ông bà, cha mẹ làm và được truyền dạy lại. Giấy dó được người Dao Đỏ dùng trong việc thờ cúng tổ tiên và các dịp lễ, tết, như Lễ cấp sắc, Lễ cầu an, Lễ cầu mùa... Giấy dó được cắt thành nhiều mảnh nhỏ bằng nhau hình chữ nhật và in họa tiết để làm tiền vàng cúng cho người âm. Hoặc được đóng thành quyển dùng viết chữ nôm Dao để ghi lại lịch sử, phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, thơ ca truyền thống của dân tộc Dao...

 

 

Người Dao Đỏ sử dụng giấy dó vào dịp lễ tết và thờ cúng tổ tiên

 

Tìm hiểu được biết, người Dao Đỏ ở Chiềng Khay bắt đầu chọn nguyên liệu làm giấy từ tháng 9, 10 dương lịch hằng năm. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa, đồng bào lấy cuống bông lúa nếp, cây tre non mới ra lá, vỏ cây dó mang về rửa sạch; riêng cây tre bỏ vỏ, chẻ thành từng sợi mỏng rồi phơi khô để làm nguyên liệu giấy quanh năm.

 

 

Người Dao Đỏ ở bản Phiêng Bay lên rừng lấy vỏ cây nhớt.

 

Để làm ra tờ giấy dó, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Trước hết, lấy các nguyên liệu đã chuẩn bị mỗi loại một lượng vừa phải, rồi nấu kỹ cùng với tro bếp, một ít vôi bột, sau đó ủ khoảng 1 tuần. Sau khi hỗn hợp đã nhừ, được đưa ra giặt sạch vôi, đập để tạo bột, rồi đưa vào thùng hòa tan cùng khoảng 50 lít nước. Để tạo độ kết dính, người ta lấy vỏ cây nhớt, mang về giã nát để lấy nhựa và cho vào hỗn hợp đã pha sẵn. Khi các chất đã hòa quyện, họ dùng dụng cụ bằng tre dài 50 cm, một đầu được tạo răng lược vớt bột giấy lên, rồi ép cho róc nước. Quá trình trên được làm đi làm lại nhiều lần đến khi rơm, tre đã nhả hết bột.

 

 

Công đoạn đập nát hỗn hợp bao gồm cuống bông lúa nếp, cây tre non mới ra lá, vỏ cây dó đã ủ để tạo bột.

 

 

Cho hỗn hợp vào thùng nước để hòa tan.

 

 

Đập dập vỏ cây nhớt rồi cho vào thùng cùng hỗn hợp.

 

 

Dùng dụng cụ bằng tre với một đầu tạo răng lược để vớt hỗn hợp.

 

 

Vắt khô và giũ lại cho hết bột.

 

Để tạo hình cho lớp bột giấy, người Dao Đỏ dùng một lớp vải thô mỏng được căng đều các góc cạnh bằng khung tre tạo thành một chiếc khuôn rộng 1,2 x 2 m hoặc diện tích tùy theo nhu cầu sử dụng của gia đình. Sau khi dội nước sạch để trôi đi những bụi bẩn bám trên vải, người ta mới đặt khung tráng ở nơi bằng phẳng rồi đổ hỗn hợp bột giấy lên bề mặt khuôn. Muốn có tờ giấy đẹp thì không được đổ dầy quá, cũng không mỏng quá, phải đều, nếu không coi như hỏng mẻ giấy.

 

 

Việc làm giấy dó của người Dao Đỏ chủ yếu do phụ nữ đảm nhận.

 

 

Cẩn thận đổ từng gáo nước sao cho đều mặt khung.

 

Do phải cẩn thận và đòi hỏi tính tỉ mỉ cao, nên nghề làm giấy dó của người Dao Đỏ bằng phương pháp thủ công, chủ yếu do người phụ nữ đảm nhận. Khi tráng giấy xong, tuyệt đối không được di chuyển, phải để yên khuôn giấy tại nơi khô ráo, dưới nắng mặt trời. Khi giấy đã khô người ta dựng khuôn tráng lên rồi dùng một thanh tre đã vót mỏng, nhọn hai đầu để tách bốn góc xung quanh cho giấy bong ra, sau đó dùng tay kéo tấm giấy ra khỏi khung và gấp lại. Trải qua nhiều công đoạn công phu, giấy thành phẩm là giấy đã khô có lớp láng đồng đều, màu vàng nhạt, dai và bền. Ngày nắng nóng, người ta có thể làm được 2-3 mẻ giấy.

 

 

Khi lớp giấy đã khô được dựng khuôn tráng lên để kiểm tra lớp giấy.

 

 

Rồi tách bốn góc xung quanh cho giấy bong ra.

 

Hiện nay, bản Phiêng Bay có 168 hộ và 800 nhân khẩu là người Dao Đỏ, nhưng chỉ có hơn chục hộ còn làm giấy dó. Trung bình mỗi hộ làm được 1.500-2.000 tờ/năm với giá bán 10 nghìn đồng/tờ, chủ yếu cung cấp cho bà con trong bản. Do người trẻ thường đi làm ăn xa, hoặc có ở nhà thì cũng không đam mê với nghề truyền thống, người biết làm giấy dó chủ yếu là người cao tuổi, trung tuổi, vì thế mà nghề giấy dó đang dần bị mai một. Nhằm duy trì nghề thủ công của dân tộc mình, gần đây, người Dao Đỏ nơi đây đã bắt đầu đưa việc học, truyền dạy kỹ thuật làm giấy dó vào quy ước của các dòng họ, để ông bà, cha mẹ có trách nhiệm giáo dục, khuyên nhủ con cháu và thế hệ trẻ cũng nhận ra bổn phận phải lưu giữ nét đẹp độc đáo của dân tộc mình. Họ cũng mong muốn các cấp, chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ để nghề thủ công dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trở thành điểm nhấn độc đáo, hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm, để nghề làm giấy dó không bị mai một.   

 

 

Công đoạn in hoa văn lên giấy dó để làm tiền vàng trong dịp lễ, tết

 

 

Bộ dụng cụ làm giấy của người Dao Đỏ.

Thủy Tiên
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới