Nghề làm đệm ở Tông Lạnh

Hơn 5 năm trở lại đây, một số phụ nữ dân tộc Thái ở các bản Cuông Mường, Hua Nà, xã Tông Lạnh (Thuận Châu), với đôi bàn tay khéo léo đã sản xuất ra những chiếc đệm của đồng bào dân tộc Thái có hoa văn, màu sắc mới nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng truyền thống, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, góp phần lưu giữ nghề truyền thống dân tộc, đồng thời đem lại thu nhập cao.

Phụ nữ bản Cuông Mường làm đệm truyền thống.

 

Đến bản Cuông Mường, xã Tông Lạnh, không khó tìm được các “xưởng” sản xuất chăn, đệm thổ cẩm của phụ nữ nơi đây. Gọi là “xưởng” nhưng thực chất là các ngôi nhà ở được chị em tận dụng khoảng trống để sản xuất chăn đệm. Tại “xưởng” của gia đình chị Lường Thị Thoa, rộng chừng 100m² bày chật kín đệm truyền thống. Mỗi người một việc, người khâu gối, người may diềm đệm, do đã quen việc nên đôi tay thoăn thoắt...

Tại "xưởng" gia đình chị Lường Thị Thoa ai nấy đều tất bật để hoàn thiện các công đoạn làm đệm.

Sản phẩm đệm sau khi sản xuất hoàn chỉnh, được bọc nilon kỹ càng chuẩn bị xuất bán ra thị trường.

 

Nhanh tay may mảnh “khuýt” trên tấm vải trắng, chị Thoa chia sẻ: Từ nhỏ tôi đã được bà, mẹ truyền dạy cho dệt vải và thêu thùa may vá, ban đầu chỉ làm ra các sản phẩm để phục vụ gia đình. Đến năm 2016, thấy nhu cầu thị trường cao mà sản phẩm không có để bán, tôi bàn với gia đình vay vốn mở quán, vận động các chị, em trong nhà cùng làm. Qua thời gian chịu khó tìm tòi, học hỏi và thay đổi vải, mẫu mã, làm đệm dầy dặn, chắc chắn hơn, nên khách hàng rất hài lòng và dần dần nhiều người đến đặt mua hàng. Cứ như vậy, gia đình tôi đã phát triển nghề làm đệm được hơn 5 năm. Thời điểm này, gia đình đang tập trung làm đệm ngồi và làm vỏ đệm để đến mùa cưới chỉ việc nhồi bông và hoàn thiện, bởi đệm thường được khách hàng đặt nhiều nhất trong mùa cưới từ tháng 9 năm đến tháng 12. Riêng năm 2020, nhà tôi đã sản xuất được hơn 400 chiếc đệm ngồi, hơn 100 chiếc đệm nằm. Từ hộ nghèo, nay gia đình đã thoát nghèo, trừ chi phí mua vải, bông, thu lãi khoảng 150-170 triệu đồng/năm. Niềm vui nữa là, gia đình còn tạo việc làm cho lao động với tiền công 4,5 triệu đồng/tháng.

Công đoạn may mảnh vài "khuýt" để trang trí bọc xung quanh đệm.

 

Bên cạnh nhà chị Thoa là "xưởng" của gia đình chị Lò Thị Hương, trên khoảng sân rộng, nhiều bộ chăn đệm đã hoàn thiện, đang chuẩn bị gửi đi cho khách hàng, chị Hương cho biết: Tận dụng nhà ở ngay quốc lộ 6 và quỹ thời gian nông nhàn, từ năm 2017, với tay nghề sẵn có, tôi mở cơ sở sản xuất đệm. Bây giờ, làm đệm thuận lợi hơn, vì nguyên liệu bông, vải thổ cẩm sẵn có bán nhiều trên thị trường. Khâu làm đệm khó và mất thời gian nhất là làm đệm nằm, bởi công đoạn nhồi bông, khâu đệm đòi hỏi phải kiên trì, khéo léo. Bình quân mỗi năm, tôi sản xuất được khoảng 300 chiếc đệm các loại, xuất bán trong bản, các xã lân cận và bán cả cho khách ở các huyện Quỳnh Nhai, Sông Mã, trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng/năm, số tiền này giúp gia đình đảm bảo trang trải cuộc sống. 

 

Đệm của gia đình chị Lò Thị Hương được hoàn thiện để chuẩn bị gửi cho khách hàng trên huyện.

 

Chất liệu vải dùng để làm đệm cũng rất phong phú, giá cả thì cũng tùy chất liệu vải và loại bông mà khác nhau, như: đệm ngồi từ nhỏ đến to, có giá trung bình từ 40.000-70.000 nghìn đồng/chiếc, đệm nằm có đệm đơn và đệm đôi từ 300.000 - 1.000.000 đồng/chiếc. Theo phong tục, mỗi cô gái Thái khi về nhà chồng ít nhất phải có 10 cái đệm nằm (đơn và đôi) và 12 cái đệm ngồi làm của hồi môn (tính ra khoảng hơn 4 triệu đồng).

 

Để đảm bảo độ chắc chắn, không bị bục vỏ chăn, đệm, gối sẽ sử dụng máy may thay vì khâu tay 

Việc đưa máy may vào may các chi tiết làm chăn, đệm giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sản phẩm   

Sản phẩm đệm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái sau khi được hoàn thiện.

 

Được biết, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được xã Tông Lạnh tuyên truyền thường xuyên, hằng năm tổ chức cho các hộ ký giao ước thi đua, ký kết xây dựng gia đình văn hóa, nên các phong tục, hủ tục trong tổ chức đám cưới đang dần biến đổi cho phù hợp, giờ đây nhà gái có thể mua đệm được làm sẵn ngoài thị trường về làm của hồi môn biếu nhà chồng; hơn nữa loại đệm này cũng được người dưới xuôi ưa chuộng tìm mua. Vì vậy, dần dần việc làm đệm đã trở thành nghề đem lại thu nhập cao cho chị em trong xã.

Ông Lò Văn Hương, bản Phé, xã Tông Cọ (Thuận Châu) chia sẻ: Trong văn hóa truyền thống của người Thái, đệm không chỉ là vật dụng quen thuộc trong nhà mà còn là của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Sang tháng, con gái tôi cưới chồng, nên tôi đã đến Tông Lạnh để đặt mua đệm cho con gái tặng họ hàng, ông bà bên nhà chồng, chất lượng sản phẩm ở đây rất tốt, bền, đẹp, chắc chắn, còn đặt được theo yêu cầu riêng của gia đình, giá cả rất phù hợp.

Khách hàng đến mua đệm về làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. 

Ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, cho biết: 5 năm trở lại đây, có khoảng 20 hộ dân trên địa bàn xã đã biết phát huy nghề làm đệm truyền thống của dân tộc Thái để phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo.

Sản phẩm đệm nằm được sản xuất chuẩn bị phục vụ mùa cưới.  

Để duy trì và phát triển nghề làm đệm, xã đang tiếp tục vận động chị em phụ nữ không có việc làm nhưng có tay nghề cùng tham gia liên kết thành lập tổ hợp tác làm đệm truyền thống, tiến tới xây dựng thương hiệu riêng để có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng biết đến, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái.

Thủy Ngân - Lam Giang

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới