Nét đẹp trò chơi dân gian dân tộc Mông ở Co Mạ

Đến xã Co Mạ (Thuận Châu) đúng dịp Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông, lần đầu tiên được tham gia những trò chơi truyền thống của bà con nơi vùng cao này khiến chúng tôi hết sức ấn tượng.

 

Bà con dân tộc Mông bản Chả Lại A, xã Co Mạ chơi đánh tu lu.

 

Trong không gian rừng núi trùng điệp, chúng tôi tham gia ném pao, ấn tượng về những quả pao đầy màu sắc được tung lên giữa hai hàng nam thanh nữ tú cùng với tiếng cười nói, trò chuyện râm ran như xua đi giá lạnh của sương sớm. Ném pao, tiếng Mông là “pó po”- một trong những trò chơi dân gian lâu đời dành cho các bạn trẻ dân tộc Mông chưa lập gia đình với mong muốn tìm được một nửa của mình. Mỗi quả pao là một tâm ý của cô gái dành cho chàng trai mình thầm thương. Khi đến điểm hẹn, cô gái sẽ đứng từ xa ném quả pao cho chàng trai thay lời nói “Cú nhịa co” (Tôi thích bạn), nếu chàng trai đồng ý sẽ bắt lại quả pao, hai người vừa ném đi, bắt lại quả pao và trao ánh mắt, mở đầu cho những lời tâm sự, tìm hiểu nhau. Sau một thời gian tìm hiểu, thấy hợp, hai người sẽ đưa nhau về nhà xin phép cha mẹ để thành vợ thành chồng.

Chia sẻ với chúng tôi, em Và Thị My, bản Co Mạ, xã Co Mạ (Thuận Châu) nói: Để hoàn thiện 1 quả pao thường mất từ 1 đến 2 ngày, từ khâu chuẩn bị vải đến thêu thùa trang trí và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Bên trong quả pao được làm từ những mảnh vải vụn và bọc bên ngoài một lớp vải được trang trí hoa văn theo sở thích của người làm. Một quả pao đẹp khi đường kính khoảng 10 cm, tròn trịa, có hoa văn, màu sắc rực rỡ.

Bên cạnh nhóm ném pao tình tứ, lãng mạn, thỉnh thoảng, ở góc sân khác lại nổi lên những tràng vỗ tay tung hô của khán giả mỗi khi có người đánh tu lu trúng đích, khiến tu lu đối thủ văng xa, làm không  khí càng thêm náo nhiệt. Quả cù- tiếng Mông gọi chung là tu lu và người Mông Trắng ở Co Mạ gọi là “vi vùng”, là trò chơi chỉ dành cho nam giới. Người làm tu lu phải là người cẩn thận, có tính kiên nhẫn bởi làm được 1 tu lu mất khá nhiều thời gian, làm liên tục có khi phải đến 1 đến 2 ngày mới làm được 1 tu lu ưng ý. Từ khâu chọn gỗ đến gọt giũa, mài... khâu nào cũng quan trọng và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Theo những người dân Co Mạ, chất gỗ tốt nhất là từ cây nghiến, vì gỗ nghiến có tính dai, bền, chắc, không mối mọt. Một bộ tu lu gồm một sợi dây dài chừng 3,5 đến 4 m gắn cố định một đầu vào thanh gỗ nhỏ dài chừng 30 cm, có tác dụng như một cái chốt tạo lực để quăng và một tu lu đẽo hình đầu đạn, riêng tu lu gồm có 2 phần, phần tù và phần nhọn. Phần tù có hình trụ, để làm hình trụ đẹp phải dùng dao chặt 1 đầu thật phẳng, gọt xung quanh tròn đều. Sau đó dùng đá mài, mài cho thật bóng, mịn. Còn phần nhọn có hình nón cụt, tu lu có xoay tròn và được lâu hay không là phụ thuộc vào việc xác định được chính xác đỉnh của tu lu.

Là người có kinh nghiệm làm tu lu ở bản Chả Lại A (xã Co Mạ), ông Và A Nó cho biết: Khi chơi đầu nhọn của tu lu liên tục xoáy xuống đất làm mau hỏng, muốn dùng được lâu nên đóng 1 chiếc đinh vào đầu nhọn và phải mài đinh cho tròn, để đinh trở thành 1 thể thống nhất với tu lu. Một tu lu đúng tiêu chuẩn khi vừa với sức người chơi, bóng, cân đối, xoay nhanh và lâu.

Chơi tu lu là một cách rèn luyện sự mạnh mẽ, tinh anh, nhạy bén của người chơi, đàn ông dân tộc Mông ở Co Mạ học chơi tu lu ngay từ bé và chơi theo 2 cách, dù theo cách nào thì số người tham gia cũng sẽ được chia thành 2 đội. Ở cách chơi đầu tiên, đội 1 để tu lu đứng im và đội 2 đứng từ xa bắn, sao cho trúng tu lu của đội bạn là thắng. Với cách chơi thứ hai, đội 1 chịu trách nhiệm quăng tu lu,  phải quấn tu lu vào đầu dây  rồi khom người, hai tay đặt thấp, tay thả tu lu phối hợp với tay cầm que giật sao cho xoay càng tít càng tốt; đội 2 là đội ném tu lu, phải kết hợp chạy đà, tay cầm tu lu giơ cao quá đầu, tay cầm dây đặt dưới, rồi ra sức mà ném, mà giật tu lu sao cho trúng tu lu đối thủ mà tu lu của mình vẫn còn quay. Cái thú vị nhất của cuộc chơi chính là việc quăng và ném tu lu diễn ra qua bốn vòng. Vòng thứ nhất quăng tu lu cách vạch ném chỉ chừng 3 m, vòng thứ hai thả tu lu cách vạch đến 6 m, vòng thứ 3, tu lu thả cách vạch ném đến 9 m và vòng cuối cách 12 m. Đánh trúng được tu lu ở càng xa càng chứng tỏ được cái tài, cái mạnh mẽ của người đàn ông Mông.

Được biết, hằng năm, cứ đến dịp lễ, tết, chính quyền xã lại tổ chức chơi trò dân gian ở các bản và sân trung tâm xã để bà con có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Đặc biệt, trong Chợ phiên Co Mạ năm 2017 vừa qua, Ban tổ chức đã đưa tu lu vào nội dung thi đấu nhằm khích lệ đồng bào Mông phát huy bản sắc dân tộc, tích cực truyền thụ các trò chơi dân gian cho các thế hệ sau này.

Thủy Tiên (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới