Nét đẹp nhân văn trong Nghi lễ đám cưới truyền thống dân tộc Dao Tiền

Đối với đồng bào dân tộc Dao Tiền ở Sơn La, đám cưới là một trong những nghi lễ quan trọng và giữ vai trò đặc biệt, đánh dấu một trang mới trong cuộc đời mỗi người. Đám cưới truyền thống gắn với những ý nghĩa đặc biệt mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn với đấng sinh thành, sự tôn trọng đối với người phụ nữ và đặc biệt là đề cao nguyên tắc chung thủy một vợ một chồng. Lễ cưới còn là nơi hội tụ những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Dao Tiền được bao thế hệ gìn giữ đến tận hôm nay.

 

Cô dâu mặc trang phục cầu kỳ trong lễ rước dâu.

Đồng bào Dao Tiền coi trọng kết hôn đồng tộc. Bởi khi đó, đám cưới mới được tổ chức trọn vẹn theo đúng với nghi thức truyền thống và truyền tải đầy đủ ý nghĩa của nó. Nhưng không vì thế mà việc tìm hiểu, kết hôn của các đôi trẻ bị giới hạn chỉ trong cộng đồng dân tộc mình. Để có một đám cưới, đôi bạn trẻ phải được sự chấp thuận của 2 bên gia đình, nhà trai đến nhà gái làm lễ dạm hỏi, sau đó cho con trai sang ở bên nhà gái trong thời gian từ 3 ngày đến 3 tháng. Đây là thời gian chú rể đến nhà gái giúp việc nương rẫy, với hàm ý để trả ơn công nuôi dưỡng của bố mẹ vợ, tỏ lòng biết ơn đối với đấng sinh thành, đồng thời cũng là thời gian để hai người tìm hiểu về nhau nhiều hơn trước khi tiến đến hôn nhân.

Đám cưới chính thức có nhiều nghi lễ quan trọng: lễ xin dâu, lễ rước dâu, lễ cắt khẩu và nhập khẩu cho cô dâu... Trong đó, phần được mọi người mong đợi nhất là nghi lễ rước dâu. Sáng sớm ngày tổ chức cưới, cô dâu được trang điểm xinh đẹp, ngồi bên trái nhà để các bác, cô, dì, thím và các chị, họ hàng nhà gái giúp búi tóc, đội khăn và mặc váy áo truyền thống. Bộ đầu tiên cô dâu mặc lên người là bộ váy áo mới do mẹ đẻ chuẩn bị, bộ bên ngoài là của mẹ chồng tặng đã được ông mối đã mang sang từ tối hôm trước, rồi đeo thêm bộ trang sức bằng bạc gồm khuyên tai, vòng tay và rất nhiều vòng cổ, dây bạc. Sau đó, mọi người sẽ giúp cô dâu mặc thêm nhiều lớp váy, áo, đội thêm nhiều khăn mà họ hàng nhà gái mang sang thành tầng tầng, lớp lớp, những bộ ngoài cùng không mặc vào được nữa thì khoác lên người, khăn thì phủ lên đầu cô dâu. Điều này thể hiện sự yêu thương, bao bọc và che chở dành cho cô dâu. Vì vậy, ai cũng muốn mang bộ đồ của mình đến khoác cho cô dâu trong ngày cưới, cô dâu nào được khoác lên người càng nhiều lớp váy áo thì có nghĩa là càng nhận được nhiều sự yêu thương, quý mến của họ hàng nhà gái. Sau đó, người dẫn dâu và phù dâu của nhà trai sẽ đưa cô dâu ra trước nhà để thầy cúng làm lễ “choàng xin” bảo hộ cho cô dâu lên đường sang nhà chồng bình an, may mắn. Kết thúc lễ, cô dâu chỉ giữ lại 2 bộ đồ của mẹ đẻ và mẹ chồng tặng mặc trong cùng để về nhà chồng, các bộ khác sẽ trả lại cho chủ nhân của nó.

Đám cưới truyền thống của đồng bào Dao Tiền không chỉ mang nét đẹp văn hóa độc đáo mà còn chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là thể hiện sự coi trọng đối với người phụ nữ khi cô dâu luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong suốt quá trình tổ chức lễ cưới với sự trân trọng và yêu thương, vai trò của 2 người mẹ cũng được thể hiện rõ nét. Các nghi lễ truyền thống cũng nhấn mạnh đến việc đề cao công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ cô dâu. Chàng trai muốn làm rể cần phải đến làm việc, trả công cho bố mẹ vợ. Trong lễ cưới, không kể lễ vật ít hay nhiều nhưng phải hoàn thành các thủ tục xin dâu, cắt khẩu cho cô dâu, dâng rượu, tạ ơn với bố mẹ vợ và nhận anh em, họ hàng nhà vợ. Điều này nhắc nhở chàng trai không quên ơn những người đã có công dưỡng dục vợ mình và có trách nhiệm đối với họ sau này. Nghi lễ cưới truyền thống sử dụng con số chẵn đối với số lượng người trong đoàn rước dâu, đoàn xin dâu, số lượng lễ vật với ý nghĩa mọi thứ phải đủ đôi, đủ cặp. Đặc biệt coi trọng lễ thắt dây tơ hồng tiến hành trước sân nhà gái vừa để trời đất chứng giám cho đôi trẻ nên vợ, thành chồng, vừa mang ý nghĩa kết nối cuộc đời 2 người, từ nay về chung một nhà, nhắc nhở nhau phải sống cho vẹn nghĩa vợ chồng, một đời son sắt, thủy chung. Với những nghi thức đặc sắc cùng giá trị về văn hóa tiêu biểu, Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của dân tộc Dao Tiền đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019.

Đám cưới của đồng bào Dao Tiền ngày nay đã có nhiều đổi khác, lược bỏ những thủ tục rườm rà, phức tạp và pha trộn nhiều yếu tố hiện đại, bắt nhịp xu hướng cưới mang tính phổ thông. Nhưng phía sau những đám cưới phông rạp, cỗ bàn tráng lệ cùng tiếng nhạc rình rang, vẫn không thể thiếu các nghi lễ quan trọng được thực hiện tuần tự, trọn vẹn đúng với truyền thống. Ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn của đám cưới vẫn luôn được các thế hệ đồng bào Dao Tiền nối tiếp nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy, trở thành điểm nhấn ấn tượng trong nền văn hóa đa sắc của dân tộc đã được cộng đồng ghi nhận.

Tặng Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới