Nên chăng cho trẻ học lớp “tiền tiểu học”

Lo lắng con sẽ vất vả, khó bắt kịp các bạn trong lớp, nên trong dịp hè, nhiều bậc phụ huynh trên địa bàn tỉnh có con vừa “tốt nghiệp” bậc mầm non đã sốt sắng tìm lớp “tiền tiểu học”, giúp con làm quen với môi trường học tập mới, để không “thua bạn kém bè” khi trẻ vào lớp 1.

Lớp "tiền tiểu học" tại Trường liên cấp Bình Minh (Thành phố).

Chị Lò Thu Huyền, tổ 2, phường Chiềng Cơi, Thành phố, bộc bạch: Nhà tôi có cháu lớn 8 tuổi, vào lớp 3; còn cháu nhỏ năm nay 6 tuổi. Ngày trước, cháu lớn vào lớp 1 bắt nhịp chậm hơn so với các bạn đã được đi học làm quen trước; khi các bạn đã đọc sách, đọc truyện vanh vách thì con tôi vẫn đang tập đánh vần, không ít lần cô giáo gọi điện về phàn nàn với gia đình. Nên khi cháu thứ 2 chuẩn bị vào lớp 1, gia đình quyết định cho cháu học và làm quen với chương trình lớp 1 trước khi vào năm học mới, để khi con đến lớp theo kịp bạn bè.

Cùng chung tâm lý đó, anh Lê Đình Nhân, đường Hoàng Quốc Việt, phường Quyết Thắng, Thành phố, chia sẻ: Con tôi năm nay vào lớp 1, qua tham khảo từ những phụ huynh có kinh nghiệm đi trước thì hầu hết mọi người đều khuyên tôi nên cho con học lớp "tiền tiểu học". Hơn nữa, vợ chồng tôi không có thời gian và phương pháp dạy cũng không hiệu quả so với các cô giáo; chương trình giáo dục đổi mới liên tục, lại yêu cầu cao hơn so với trước đây, nên việc cho con đi học sẽ quen với nề nếp của cấp học mới và theo kịp chương trình giáo dục mới, vừa giảm áp lực cho cô giáo, vừa giúp con theo kịp chương trình.

Không chỉ anh Nhân, chị Huyền, việc sẽ cho con đi học trước khi vào lớp 1 cũng là xu hướng chung của nhiều phụ huynh hiện nay. Có cầu ắt có cung, nắm bắt tâm lý của các phụ huynh lo ngại khi trẻ bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa vào lớp 1, một số trung tâm tư nhân, giáo viên đã nghỉ hưu đã mở các lớp "tiền tiểu học", thu hút rất đông học sinh tham gia đăng ký học.

Trong vai phụ huynh đi tìm lớp học cho con chuẩn bị vào lớp 1, chúng tôi được một người quen giới thiệu đến Trung tâm TV Kids - Đồng hành cùng con (Thành phố), tại đây chúng tôi được giới thiệu về khóa học "tiền tiểu học" cho trẻ với chương trình cụ thể, gồm: Rèn chữ, hướng dẫn cách đọc, phát âm, đánh vần theo chương trình mới, cách viết chữ số, phép cộng, phép trừ trong phạm vi 10, số chẵn, số lẻ... Học phí 3 triệu đồng/khóa học (1,5 tháng).

Còn qua tìm hiểu thông tin một số giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu mở lớp, thì mỗi buổi học có giá dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/buổi, hình thức là dạy nhận biết mặt chữ, mặt số, các lớp luyện viết, luyện đọc, cộng trừ trong phạm vi 10... Điều đáng nói, trước thực trạng phụ huynh tìm lớp, tìm trường cho con học lớp "tiền tiểu học" ngày càng nhiều, tình trạng giáo viên tiểu học, các trường học mặc dù không được phép cũng tổ chức dạy thêm mở ra các lớp "tiền tiểu học", rèn luyện cho các con các hoạt động phát triển tư duy logic, phát triển ngôn ngữ, kỹ năng sống... Theo quy định hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường công lập cũng như các giáo viên tiểu học không được phép mở lớp dạy thêm, học thêm cho trẻ. Song, trên thực tế việc dạy học “tiền tiểu học” vẫn đang âm thầm diễn ra, mặc dù đã bị nghiêm cấm.

Trao đổi về việc có nên hay không nên cho trẻ học lớp "tiền tiểu học", cô giáo N.T.H có kinh nghiệm hơn 10 năm dạy lớp 1 trường công lập trên địa bàn Thành phố, cho biết: “Do chương trình sách mới ngày càng yêu cầu cao, nặng hơn so với trước đây, tôi thấy các con được đi học "tiền tiểu học" sẽ bắt kịp nhanh hơn so với các bạn chưa đi học. Theo kịp chương trình, các cô cũng đỡ vất vả hơn và có thời gian dạy chương trình chính khóa. Nếu như một lớp có 30 bạn, nếu các con chưa biết cách cầm bút, chưa quen với nội quy nề nếp, chưa nhớ được hết các chữ cái thì các cô vô cùng vất vả, bởi nhận thức của các con khác nhau, có bạn nhanh bạn chậm. Để các con theo kịp chương trình thì các cô lại phải tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc cuối buổi học để luyện thêm cho các con. Vừa vất vả cô, lại áp lực cho trò. Các bạn nghỉ trưa, được bố mẹ đón về rồi mình lại phải ngồi viết, không thì không theo kịp chương trình, các con cứ thế tụt lùi”.

Trao đổi về việc cho học sinh học lớp “tiền tiểu học”, bà Trịnh Lan Anh, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Trong chương trình giáo dục mầm non không quy định dạy trước chương trình tiểu học, một số phụ huynh có nhu cầu cho con làm quen "tiền tiểu học” là cách cầm bút và nhận biết chữ, chứ chưa được ghép từ, cộng trừ. Khi các con học mầm non sẽ được học toán theo hình thức trực quan, thêm bớt, chứ không được dạy viết đặt phép tính. Bộ Giáo dục và Đào tạo không có văn bản chỉ đạo về việc dạy thêm, học thêm, Sở đã quán triệt tại các hội nghị về việc không gây áp lực cho việc dạy thêm, học thêm đối với phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng kiến thức thì theo “cung, cầu”.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc đào tạo, quản lý bậc mầm non, tiểu học, bà Trịnh Lan Anh cũng bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc dạy trước chương trình tiểu học cho trẻ mầm non, như vậy không phù hợp với việc phát triển tâm lý của độ tuổi mầm non. Nếu cho con theo học có thể cho các con làm quen dưới hình thức trò chơi, nhớ số, nhớ chữ, rèn cách cầm bút và một số kỹ năng, nề nếp khi vào tiểu học để trẻ em phát triển tự nhiên. Việc học trước sẽ khiến trẻ ở độ tuổi này không còn hứng thú với chương trình, khi bước vào học chính thức các con sẽ chán. Đặc biệt, không nên so sánh các học sinh đã được đi học với các học sinh chưa được học "tiền tiểu học", phải có sự quan tâm giáo dục đặc biệt cho các con trong độ tuổi này để phù hợp với sự nhận thức, phát triển đối với độ tuổi của các con.

Thực tế cho thấy, dù bị cấm hay không thì các lớp "tiền tiểu học" đã và đang được mở ra và việc cho con theo học hay không những lớp này là nhu cầu của mỗi phụ huynh học sinh. Trang bị cho bé một tinh thần tốt, kiến thức vững chắc trong giai đoạn này rất cần thiết, nhưng ở lứa tuổi này chỉ nên cho con làm quen, ôn lại những gì đã học ở mầm non chứ không nên học trước... Thêm nữa, các phụ huynh nên quan tâm chuẩn bị tâm lý, hướng dẫn thêm cho các con những kỹ năng cần thiết để khi đến lớp, các con không cảm thấy bỡ ngỡ, mà quen dần với những nề nếp mới, giúp con bước vào lớp 1 với tâm thế tốt nhất.

Ngân Giang

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới