Nắng vàng chiều biên giới

Với những chủ trương đúng; tuyên truyền, vận động linh hoạt, sáng tạo, công tác dân vận của huyện Mộc Châu đã góp phần thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của các hộ dân tộc Mông bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, nhiều hộ đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định...

Khi ý Đảng hợp lòng dân

Được cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mộc Châu dẫn đường, chúng tôi háo hức về bản Phiêng Cài. Chiều biên giới thật đẹp, đầy nắng và gió khiến những dãy núi như cao hơn, xanh hơn. Theo thông tin chúng tôi nắm được, Phiêng Cài là bản vùng cao biên giới, tách ra từ bản A Lá và Pha Nhên năm 1992, hiện có 80 hộ đồng bào Mông sinh sống. Do địa hình đồi núi cao, những năm trước, người dân chỉ thuần túy trồng ngô, lúa trên nương, hiệu quả kinh tế không cao, hằng năm nhiều hộ đói giáp hạt. Nhưng bây giờ đã khác, từ làm tốt công tác dân vận, người dân Phiêng Cài đoàn kết, thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới...

Một góc bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập (Mộc Châu).

Một nét trong bức tranh sinh động về Phiêng Cài bắt đầu từ con đường bê-tông rộng rãi nối từ quốc lộ 43 tới tận từng nhà trong bản. Dọc hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang mùa này ăm ắp nước. “Đây là nhà anh Tráng Vả Đế, Trưởng Ban Mặt trận bản; thâm niên gần 20 năm làm trưởng bản đấy!” - chị Thủy, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện nói khi đưa tôi vào ngôi nhà gỗ ở giữa bản. Có khách đến, anh Đế vừa rót nước mời khách, vừa gọi cô con gái mang từ bếp lên một đĩa đựng đầy quả chanh leo chín mọng. Quanh bàn nước, câu chuyện giữa chủ và khách trở nên thân mật, cởi mở. Theo lời kể của anh Đế, khi chưa làm đường bê-tông, đường dốc, khó đi lắm, nhiều tai nạn đã xảy ra; hàng hóa làm ra không mang ra chợ bán được vì đường hỏng, sạt lở; muốn làm đường hẳn hoi cũng đành chịu vì không có đủ tiền. Đến năm 2014, được cán bộ huyện, xã tuyên truyền Nhà nước có chính sách hỗ trợ, nhân dân cùng góp công góp sức để làm đường giao thông nông thôn, cả bản ưng cái bụng ngay, vì làm được đường thì không chỉ đi lại dễ dàng mà quả bí, con gà, con trâu cũng sẽ có người vào mua, có đi bán cũng dễ hơn, giá cao hơn...

Khi suy nghĩ đã thông, lòng dân đã quyết, Phiêng Cài liền bầu Ban quản lý làm đường giao thông, lên danh sách các hộ đóng góp kinh phí, ghi chép công khai những đóng góp ngày công của các hộ. Vì là bản nghèo, không thể ngay lập tức làm được cả tuyến đường dài hơn 2.000 mét, Ban quản lý bản tính toán chia thành 3 giai đoạn: Năm 2015, tập trung làm 700 mét đường nội bản; năm 2016 làm hơn 800 mét từ đầu bản nối với quốc lộ 43; hai năm 2017- 2018 làm nốt gần 1.000 mét đường còn lại. Sau 4 năm nỗ lực, cộng với hỗ trợ vật liệu của Nhà nước, người dân Phiêng Cài đã xây dựng được 5 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài 2.595 mét, chi phí đầu tư 1 tỷ 112 triệu đồng. Phiêng Cài tự hào là bản vùng cao đầu tiên của xã Lóng Sập hoàn thành tuyến đường bê-tông, có cảnh quan xanh - sạch - đẹp bởi hơn 300 cây ban, 350 cây đào được bà con trồng dọc tuyến đường. 

Nhiều đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm

Ngoài làm đường giao thông, anh Đế còn kể cho chúng tôi nghe chuyện làm kinh tế bằng cách chuyển diện tích đất dốc trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế; tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Anh Đế thật thà: Cái bụng mình tối chứ không phải lười. Chỉ khi được cán bộ hướng dẫn, chỉ bảo thì mới sáng ra. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2004, anh mạnh dạn chuyển đổi hơn 2 ha chuyên trồng ngô, lúa nương để trồng 2 ha mận hậu; rồi năm 2017, sau khi tham quan các mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, nhà anh phát quang 2 ha đồi lau lách, cỏ dại để trồng chanh leo, cam, bưởi; niên vụ 2018, tiền bán quả chanh leo đã được gần 200 triệu đồng, con số này sẽ tăng lên gấp đôi trong vụ thu hoạch năm nay.

Câu chuyện càng thêm sôi nổi khi anh hàng xóm Tráng A Chà sang chơi. Hỏi thăm, tôi được biết, A Chà là một trong những hộ vừa thoát nghèo của bản Phiêng Cài. Sinh năm 1987 nhưng A Chà khá già dặn. Gia đình A Chà cũng mới trồng 300 gốc chanh leo năm 2017, mỗi vụ quả cho thu lãi hơn 100 triệu đồng. Anh Chà cho biết: Trước kia, gia đình tôi trồng ngô, mỗi năm gieo hơn 40 kg hạt ngô giống nhưng đất xấu nên mỗi vụ thu hoạch ngô chỉ bán được khoảng 60 triệu đồng chưa trừ chi phí phân, giống, công chăm sóc. Mới đầu tôi không dám trồng cây chanh leo vì không biết kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây này; được cán bộ xã hướng dẫn, thăm quan các mô hình trong bản về cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, tôi thấy mình có thể làm được nên đồng ý trồng chanh leo thay thế cây ngô. Gia đình tôi còn được hướng dẫn làm thủ tục vay 30 triệu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nên có thêm vốn để đầu tư, mở rộng diện tích trồng chanh leo. Năm 2019, tôi trồng thêm 300 gốc chanh leo, hiện cây phát triển tốt và đang chuẩn bị cho thu hoạch quả. Gia đình tôi bây giờ không còn trong diện hộ nghèo, tiền vay ngân hàng cũng đã trả hết, con cái được học hành đầy đủ...

Một nhánh tuyến đường bê-tông ở bản Phiêng Cài.

 

Khi “cái đầu biết nghĩ, cái tay chịu làm”, thì nhiều mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện; đói nghèo bị đẩy vào quá khứ. Đến thăm gia đình anh Tráng A Lứ, căn nhà gỗ mới dựng, nền láng xi-măng sạch sẽ, lại thêm chiếc xe máy Yamaha Exciter màu xanh nước biển mới mua gần 50 triệu đồng. Vừa cho đàn bò uống nước ở bể, anh Lứ vừa kể: Được vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình tôi đã phát triển đàn bò được gần 20 con và nuôi đàn lợn hơn chục con. Kinh tế gia đình tôi và nhiều hộ trong bản cũng đã tốt hơn trước rất nhiều nhờ tích cực khai hoang ruộng nước, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều nhà cũng đã mua máy cày bừa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kinh tế ổn định nên cuộc sống sinh hoạt được nâng lên, nhà nào cũng có ti vi, xe máy, việc học tập của các con em trong gia đình được đảm bảo.

Vườn chanh leo của gia đình anh Tráng A Chà, một hộ vừa thoát nghèo ở bản Phiêng Cài.

 

Chúng tôi hiểu, để thay đổi cách nghĩ, cách làm như ở Phiêng Cài, Mộc Châu đã có nhiều cuộc họp tại xã, tại bản tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, cung cấp danh sách các địa chỉ tin cậy cung ứng cây giống; chỉ dẫn cách làm thủ tục vay vốn; tổ chức các buổi tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế; nhắc nhở người dân chăn nuôi gia súc tập trung, tiêm phòng vắc-xin định kỳ... thế nên, Phiêng Cài đã chuyển đổi trên 60 ha cây ăn quả, gồm 28 ha chanh leo, 30 ha mận hậu, hơn 2 ha xoài, cam, bưởi, nhãn...; ổn định đàn trâu 186 con, đàn bò 215 con; số nhà tạm, dột nát còn dưới 4%...

Thay cho lời kết

Nói về những đổi thay của bản Phiêng Cài thời gian qua, anh Tráng A Tủa, Trường bản khẳng định: Đó là kết quả của sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền trong lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Cùng với đó, người dân bản Phiêng Cài cũng luôn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu mà xã Lóng Sập giao cho, không dựa dẫm, ỷ lại vào Nhà nước... Đây cùng là những kết quả rõ nét nhất của công tác dân vận và việc thực hiện hiệu quả các chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đàn bò của gia đình anh Tráng A Lứ.

Rời Phiêng Cài, hình ảnh về sự năng động, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây đang hiện hữu - Từng tốp thanh niên đi xe máy chở đằng sau những sọt chanh leo đầy ắp vừa thu hái trên vườn đồi; những phụ nữ trung niên đang lùa đàn bò bụng căng tròn về chuồng trong ánh chiều muộn... Và nữa, màu xanh ngút ngàn của những vườn chanh leo, vườn mận, cam trải khắp lưng chừng núi, trên các sườn đồi. Với sự vào cuộc có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Mộc Châu, bản Phiêng Cài đã và đang ngày càng đổi mới. Việc chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, cách làm trong xây dựng nông thôn mới ở Phiêng Cài thực sự là mô hình hay, sáng tạo để nhiều bản làng vùng cao, vùng biên giới  học tập, làm theo.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới