Nâng tầm thương hiệu long nhãn Sông Mã

Cùng với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn quả tươi, các doanh nghiệp, HTX và người trồng nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã còn tích cực chế biến long nhãn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập.

 

HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong chế biến long nhãn

 bằng phương pháp nhiệt điện, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

Huyện Sông Mã có hơn 7.500 ha nhãn, trong đó, 5.000 ha đã cho thu hoạch, sản lượng năm 2020 ước đạt trên 50.000 tấn. Riêng vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu đạt 318 ha, sản lượng 3.100 tấn tập trung tạo các chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian qua, tỉnh, huyện Sông Mã đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nhãn tươi cho nông dân, song với số lượng lớn mà phải tiêu thụ trong thời gian ngắn gặp nhiều khó khăn, nhất là năm nay trong bối cảnh dịch bệnh COVID phức tạp, hạn chế về xuất khẩu và tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại. Do vậy, hiệu quả nhất vẫn là đẩy mạnh chế biến. Toàn huyện hiện có trên 700 cơ sở chế biến long nhãn, trong đó, có hơn 100 cơ sở chế biến bằng phương pháp lò sấy nhiệt sạch, lò sấy điện.

Năm 2020, giá nhãn tươi bán ra thị trường thấp, nên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong đã đầu tư 200 triệu đồng xây dựng thêm 1 nhà xưởng, lò chế biến bằng điện. Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh nói: Hiện, HTX có 4 lò sấy long nhãn, tổng công suất 8 tấn quả tươi/ngày. Năm nay, HTX chế biến 300 tấn quả tươi, sau khi sấy khô thu được 30 tấn long thành phẩm. Sản phẩm long nhãn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá thành 125.000 - 140.000 đồng/kg và đưa vào các chuỗi siêu thị tiêu thụ trong nước với giá khoảng 160.000 đồng/kg, trừ chi phí, năm nay HTX thu được hơn 300 triệu đồng từ long nhãn.

Long nhãn Sông Mã

Còn HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tuấn, bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong có hơn 20 năm chế biến long nhãn. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã thực hiện nghiêm quy trình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ; chú trọng việc đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật để chế biến long nhãn. Những quả nhãn tươi được thu hái về, rửa sạch, sau đó được bóc vỏ, tách hạt và đưa vào lò sấy khô bằng nhiệt điện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2020, HTX đã chế biến 200 tấn quả tươi, sau khi sấy khô thu được 20 tấn thành phẩm. Ông Đào Ngọc Bằng, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Tuấn, chia sẻ: Năm 2018 đến nay, sản phẩm long nhãn của HTX được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Nhờ vậy, HTX đã có sản phẩm tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường, ngày càng có nhiều khách hàng biết đến.

Việc chế biến long nhãn đã góp phần giải quyết bài toán khi nhãn tươi được mùa lại mất giá, đồng thời giải quyết việc làm thời vụ, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương. Chị Vì Thị Lả, bản Pá Bông, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) phấn khởi: Hằng năm, cứ đến vụ chế biến long nhãn, tôi lại tranh thủ thời gian nông nhàn nhận xoáy long nhãn thuê. Công việc không khó, cần kiên trì, bình quân mỗi ngày tôi thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng.

Thời gian tới, huyện Sông Mã sẽ hỗ trợ các HTX công nghệ sấy, làm long nhãn sạch và đóng gói bao bì, tem, nhãn mác cho sản phẩm long nhãn để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thu hút người tiêu dùng. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp, đưa sản phẩm long nhãn vươn xa ra thị trường quốc tế.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới