Nâng tầm giá trị hàng hóa qua Chương trình OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, có nhãn mác và thương hiệu vươn ra ngoài phạm vi địa phương. Chương trình OCOP đang được tỉnh ta quan tâm triển khai, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.

 

Gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

 

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đảm bảo nông thôn mới phát triển bền vững. Theo đánh giá, toàn tỉnh hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành sản phẩm OCOP trong tương lai gần, bao gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm, dịch vụ nông thôn. Hiện, có 18 sản phẩm nông nghiệp được cấp bằng bảo hộ và đã có thương hiệu, đó là: 3 sản phẩm chỉ dẫn địa lý (Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La); 13 nhãn hiệu chứng nhận (Chè Ô Long Mộc Châu, chè Phổng Lái Thuận Châu, rau an toàn Mộc Châu, nếp Mường Và Sốp Cộp, cá tầm Sơn La, cá sông Đà Sơn La, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã, khoai sọ Thuận Châu, táo Sơn tra Sơn La, na Mai Sơn, bơ Mộc Châu, chuối Yên Châu), 2 nhãn hiệu tập thể (chè Tà Xùa và mật ong Sơn La). Chương trình OCOP bước đầu cũng đã mang lại những kết quả tích cực trong việc duy trì và phát triển số hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; thúc đẩy các phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 452 doanh nghiệp, HTX, liên minh HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2019, có 28 sản phẩm của 18 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất được Hội đồng đánh giá, phân hạng chấm từ 50 điểm trở lên, trong đó, 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 19 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Trong 2 năm (2019 - 2020), tỉnh ta đã đầu tư 20 tỷ đồng triển khai Chương trình OCOP, gồm công tác đào tạo, tập huấn; hỗ trợ chuẩn hóa làm điểm 20 sản phẩm OCOP; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến thương mại. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, như: HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 76/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 về việc quy định mức hỗ trợ cụ thể từ ngân sách Nhà nước cho một số nội dung trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh cũng ban hành quy định danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực; phương án hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020. Bên cạnh đó, quan tâm công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết nối thị trường; tổ chức các gian hàng tại hội chợ ở các tỉnh và Hội chợ quốc tế OCOP năm 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh... Hiện, các sản phẩm chè, cà phê, thịt trâu hun khói, cá tép dầu, các loại quả sấy... đang được đánh giá cao và có cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nga. Tuy nhiên, do mới triển khai nên chương trình OCOP ở tỉnh ta gặp không ít khó khăn; các cấp, ngành chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, còn lúng túng, chưa chủ động; một số doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác chưa hiểu đúng tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình; còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện chương trình...

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối, phát huy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm nông nghiệp; đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố, các chủ thể lập hồ sơ và nâng cao chất lượng sản phẩm, để đến hết năm 2020 toàn tỉnh có trên 50 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao trở lên, 1 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận 5 sao và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu OCOP tỉnh Sơn La, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh, nhất là lao động nông thôn.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới