Nâng cao văn hóa đọc cho học sinh

Mô hình thư viện thân thiện Room to Read do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tổ chức Room to Read triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước. Từ năm học 2021-2022, mô hình được ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La triển khai thí điểm tại 20 trường tiểu học trên địa bàn các huyện: Yên Châu, Thuận Châu, Vân Hồ và Thành phố. Trong đó, có Trường tiểu học Tông Cọ, huyện Thuận Châu, đã giúp học sinh trong trường có điều kiện đọc sách thường xuyên, xây dựng thói quen đọc, văn hóa đọc, rèn ý thức và kỹ năng học tập suốt đời.

 

Mô hình thư viện thân thiện Room to Read tại Trường tiểu học Tông Cọ, huyện Thuận Châu.

Cô giáo Nguyễn Thị Chín, Hiệu trưởng, cho biết: 100% học sinh trong trường là con em đồng bào dân tộc Thái. Để giúp các em lĩnh hội kiến thức tốt hơn, nhà trường đã tạo không gian thư viện mới, gần gũi, phức hợp giữa đọc sách với những hoạt động tìm hiểu thế giới xung quanh, các hoạt động trải nghiệm âm nhạc, phim ảnh, giao lưu, chia sẻ sách.

Thư viện có tổng diện tích gần 120 m², học sinh tham gia các hoạt động đọc cá nhân, đọc cặp đôi, đọc to nghe chung và cùng đọc. Sách được trưng bày trên kệ theo các mã màu, học sinh dễ dàng tiếp cận, lựa chọn phù hợp với nhu cầu đọc. Trong đó, lớp 1 là kệ màu xanh, gồm những quyển sách nhiều hình ảnh sinh động; lớp 2 là kệ màu đỏ, sách nhiều câu từ hơn; kệ màu cam dành cho học sinh lớp 3, gồm các câu chuyện có hình ảnh minh họa... Ngoài ra, nhà trường còn bố trí 1 chiếc ti vi thông minh, thời khóa biểu tiết đọc, lịch mượn trả sách của tất cả các lớp, cùng nhiều tiểu cảnh, như hòn non bộ, thác nước, trang phục các dân tộc, nhằm tạo hứng thú và thói quen đọc sách của học sinh.

Bên cạnh đó, nhân viên thư viện chuyên trách được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, phát triển môi trường học, đọc tích cực. Chị Quàng Thị Tươi, cán bộ thư viện, chia sẻ: Đầu năm học, chúng tôi xây dựng kế hoạch hoạt động của thư viện; hướng dẫn các cộng tác viên tham gia sắp xếp sách trong thư viện theo mã màu phù hợp với học sinh các lớp. Hiện, thư viện cơ bản đáp ứng nhu cầu học và đọc của học sinh; với 4.950 bản sách giáo khoa; 3.000 bản sách tham khảo; 2.220 bản truyện đọc thiếu niên, nhi đồng; 250 số báo, tạp chí; 233 tờ bản đồ, tranh ảnh giáo dục và 85 băng đĩa giáo khoa...

Thư viện đã thu hút được nhiều học sinh đến đọc sách, tìm kiếm thông tin vào những giờ trống tiết, giờ ra chơi. Trung bình mỗi ngày có hơn 100 lượt học sinh đến đọc sách và mượn sách về nhà đọc. Em Trần Thị Hà Vy, lớp 5A3, chia sẻ: Trước đây, dù rất thích đọc sách, nhưng em ngại vào thư viện, vì sách thì nhiều, khó tìm, không đủ thời gian để đọc. Bây giờ, em có thể dễ dàng chọn được sách phù hợp, bởi sách đã được phân loại cho lứa tuổi theo từng mã màu. Nếu đọc chưa xong, em mượn về nhà đọc tiếp. Ngoài đọc sách, chúng em còn chơi các trò chơi để giải trí sau giờ học trên lớp.

Từ hoạt động đọc sách, đã góp phần giúp học sinh vận dụng kiến thức vào bài học chính khóa. Đồng thời, nâng cao phẩm chất đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống. Nhờ đó, năm học 2021-2022, nhà trường có 99,2% số học sinh được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ học tập và rèn luyện trở lên, trong đó 36,5% số em hoàn thành xuất sắc.

Cô giáo Nguyễn Thị Chín, Hiệu trưởng cho biết thêm: Nhà trường đang tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả phòng đọc thư viện, linh hoạt điểm đọc sách trên ghế đá trong khuôn viên nhà trường. Đồng thời, huy động sự ủng hộ, đầu tư cơ sở vật chất, sách, báo, tài liệu nghiên cứu, thu hút giáo viên, học sinh đến với thư viện ngày thêm đông, nâng cao văn hóa đọc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới