Nâng cao nhận thức, cách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông thường xuyên tuyên truyền về diễn biến, biểu hiện, cách nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi; công tác phòng, chống dịch được triển khai quyết liệt, khống chế, không để bệnh dịch lan ra diện rộng. Tuy nhiên, vẫn còn có hộ chăn nuôi chưa nhận thức đầy đủ về bệnh dịch này, khi thấy lợn chết bất thường đã không khai báo với chính quyền địa phương, mà tự ý chôn, vứt xác lợn ra môi trường, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh kiểm tra

nơi chôn lợn mắc bệnh tại bản Hua Đán, xã Tú Nang (Yên Châu).

Nhận được thông tin, chúng tôi theo Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đến bản Hua Đán, xã Tú Nang (Yên Châu) để kiểm tra việc tiêu hủy đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà cấp 4, nằm lưng chừng đồi, anh Trần Văn Nam kể lại: Ngày 10/6/2019, tôi đã mua 120 con lợn giống của Công ty Da Ba Co, thành phố Hải Phòng. Khi vận chuyển đến xã Tú Nang, tôi bán cho ông Lê Văn Mão, bản Cung Tà Làng 15 con lợn; số lợn còn lại tôi mang về nuôi tại bản Hua Đán. Từ ngày 19 đến ngày 22/6/2019, có 83 con lợn của gia đình tôi và 6 con lợn của gia đình ông Lê Văn Mão bị ốm, chết dần với biểu hiện ủ rũ, bỏ ăn và nằm chồng lên nhau. Gia đình đã vứt lợn chết xuống hang đá cách nhà 150 m; còn gia đình ông Lê Văn Mão cũng không khai báo về số lợn mắc bệnh chết mà tự chôn 3 con và mổ 3 con để ăn thịt.

Do việc thiếu ý thức trong tiêu hủy lợn chết, hậu quả là chỉ ít hôm sau ở bản Hua Đán, xác lợn chết phân hủy, bốc mùi hôi thối và người dân đã phải kêu cứu đến chính quyền địa phương. Ngày 21/6/2019, UBND huyện Yên Châu đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến kiểm tra, phát hiện lợn chết ở nhà anh Trần Văn Nam và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng I xét nghiệm, kết quả dương tính với virus bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngày 23/6/2019, Đoàn công tác huyện Yên Châu đã xuống kiểm tra, làm việc và tổ chức tiêu hủy 31 con lợn còn lại của 2 gia đình trên theo quy định.

Biện minh về những vi phạm của mình, anh Trần Văn Nam nói: Tôi có biết bệnh dịch tả lợn châu Phi thông qua các phương tiện truyền thông, nhưng khi lợn của nhà chết, tôi đã không khai báo chính quyền địa phương, bởi tôi nghĩ đàn lợn có Giấy kiểm dịch ở Công ty bán giống nên chỉ có thể bị chết do sốc nhiệt. Hơn nữa, tôi đã có 8 năm kinh nghiệm nuôi lợn, mỗi lần mua lợn từ các trang trại lớn về, đàn lợn thường chết 1 vài con do thay đổi môi trường và nhiệt độ. Với hành vi che dấu, không khai báo lợn mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường, tiêu hủy không đúng quy định, các cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính gia đình anh Nam và ông Mão theo quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Với những đặc điểm trên, đàn lợn của anh Trần Văn Nam có thể chưa mắc bệnh lúc mới mua, nhưng có thể bị mắc bệnh trong quá trình vận chuyển trên đường hoặc tại gia đình. Do vậy, các hộ chăn nuôi, các địa phương và các cơ quan chức năng không được chủ quan về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; cần thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại chăn nuôi, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các điểm bán ở chợ, giết mổ lợn và các sản phẩm thải của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; những người tham gia chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh cá nhân; kịp thời phát hiện, cách ly lợn bị bệnh và nghi bị bệnh; diệt các nguồn bệnh như ruồi, muỗi, ve mòng để tránh mang mầm bệnh phát tán ra bên ngoài; không mua, bán thịt lợn không có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thức ăn thừa hay chưa được nấu chín từ lợn.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh lây nhiễm do virus gây ra. Virus gây bệnh dịch tả lợn có trong máu, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh dịch tả châu Phi; nếu không được vệ sinh hoặc phun thuốc tiêu độc khử trùng, virus bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong môi trường từ 3-6 tháng. Chính vì sức đề kháng của virus này cao nên khả năng lây lan trên phạm vi rộng và kéo dài. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp và đường tiêu hóa, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật nhiễm virus, như: Lợn nhiễm bệnh, chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và thức ăn chứa thịt lợn nhiễm bệnh. Lợn chết nhanh với biểu hiện sốt cao trước khi chết. Bệnh không lây sang người, nhưng người có thể là tác nhân gây phát tán bệnh.

Để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng, hiện nay, Nhà nước đã ban hành cơ chế hỗ trợ các hộ chăn nuôi 100% tiền xét nghiệm phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi và công chôn lấp, tiêu hủy đàn lợn chết hoặc đang mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại; hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 8.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại; 10.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác... Vì vậy, các hộ chăn nuôi thấy lợn có biểu hiện bị bệnh hoặc chết bất thường, cần báo ngay chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng biết để lẫy mẫu xét nghiệm, phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi và khoanh vùng dập dịch kịp thời. Các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền tới cán bộ và nhân dân về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là người dân các bản có dịch và địa bàn các xã giáp ranh; khẩn trương khoanh vùng dập dịch, tránh để lây lan dịch bệnh sang vùng lân cận; cắm biển cảnh báo cho nhân dân biết khu vực có dịch; duy trì theo đúng quy trình chốt kiểm dịch động vật; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành huyện kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn trên địa bàn, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Luật Thú y; hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi theo quy định.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới