Nâng cao hiệu quả các trung tâm giáo dục thường xuyên

Trước đây, tỉnh ta có 11 trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố với tổng số 318 cán bộ quản lý, giáo viên. Năm 2018, UBND tỉnh đã sắp xếp chuyển giao chức năng, nhiệm vụ dạy nghề cho UBND cấp huyện và chuyển chức năng đào tạo hệ bổ túc trung học cho Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý tổ chức tại các trường THPT. Trước yêu cầu thực tế về nhu cầu học tập và phân luồng học sinh từ tháng 12/2020, tỉnh ta quyết định thành lập các trung tâm GDTX. Việc tái lập và nâng cao hiệu quả của Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Giáo viên Trung tâm GDTX huyện Thuận Châu hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức.

 

Sau khi giải thể các trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố, việc tổ chức học bổ túc văn hóa trong các trường THPT gặp khá nhiều khó khăn, bất cập, bởi các trường THPT phải thực hiện “một hội đồng 2 nhiệm vụ” quản lý 2 hệ giáo dục có mục tiêu và phương pháp thực hiện khác nhau; địa điểm dạy học THPT và GDTX cách xa nhau nên việc xếp thời khóa biểu và di chuyển của giáo viên gặp nhiều khó khăn, làm hạn chế trong công tác quản lý, phân công giảng dạy, kiểm tra giám sát và đánh giá kết quả học tập...

Bên cạnh đó, nhu cầu học bổ túc THPT trong những năm gần đây ở tỉnh ta tăng cao, khoảng hơn 5.100 học sinh/năm (chiếm 26% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS, gấp 2 lần năm 2018) nên áp lực cho các trường THPT ngày càng quá tải. Để thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, cũng như đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh ta đã quyết định tái thành lập lại các trung tâm GDTX cấp huyện, để đi vào hoạt động từ năm 2021.

Việc thành lập các trung tâm GDTX là một trong những yêu cầu tất yếu. Nhiệm vụ của các Trung tâm sau khi thành lập lại là tổ chức các lớp học theo các chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT; dạy và thực hành kỹ thuật nghề nghiệp, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (gồm bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ứng dụng, dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức theo kế hoạch hằng năm của địa phương...

Sau khi có quyết định thành lập lại TTGDTX cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các tổ công tác tiếp nhận, bàn giao cơ sở vật chất, đất đai, tài sản, tài chính của Trung tâm GDNN-GDTX khi giải thể trước đây đã chuyển cho UBND các huyện quản lý, để giao lại cho Trung tâm GDTX các huyện quản lý. Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tại các trung tâm đã được kiện toàn, cơ bản đảm bảo công tác dạy và học ngay từ đầu học kỳ II.

Tại hầu hết các trung tâm, công tác tổ chức các hoạt động dạy và học theo chương trình GDTX cấp THPT đã đi vào ổn định; các trung tâm chủ động ký kết hợp đồng với Trường Cao đẳng Sơn La mở các lớp đào tạo nghề trình độ trung cấp cho học viên GDTX cấp THPT với 15 lớp, 500 học viên tham gia học 11 mã ngành và 24 lớp dạy nghề phổ thông cho học sinh với 1.004 học viên.

Tìm hiểu tại Trung tâm GDTX huyện Thuận Châu, sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động đã chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân trên địa bàn và nhu cầu học nghề của người lao động để thực hiện công tác tuyển sinh phù hợp. Ông Phạm Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Trung tâm có 427 học viên với 11 lớp. Hầu hết giáo viên điều động về đều là giáo viên cũ của trung tâm nên nắm rõ chức năng nhiệm vụ, thuận lợi trong công tác điều hành và giảng dạy. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm vẫn chưa được cấp kinh phí việc chi trả lương và các hoạt động khác; cơ sở vật chất sau nhiều lần vận chuyển đã xuống cấp và hư hỏng nhiều, đặc biệt là thiết bị phục vụ công tác giảng dạy. Chỉ tiêu biên chế được giao trong năm là 11 người (2 cán bộ quản lý và 9 giáo viên) nhưng Trung tâm mới chỉ có 1 cán bộ quản lý và 6 giáo viên đứng lớp. Trung tâm đang phải nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Trường THPT Tông Lệnh trong công tác giảng dạy.

Còn tại Trung tâm GDTX huyện Mường La, khi giải thể năm 2018, cơ sở vật chất  của Trung tâm được chuyển giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện quản lý, sử dụng. Đến nay, do huyện chưa bố trí nơi làm việc nên Trung tâm vẫn tổ chức dạy học tại Trường THPT Mường La. Ông Hà Quốc Vĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mường Bú, phụ trách Trung tâm GDTX huyện, chia sẻ: Năm học 2020-2021, Trung tâm có 9 lớp với 340 học viên, do thiếu giáo viên nên việc giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT vẫn do Trường THPT Mường La và THPT Mường Bú đảm nhiệm. Trung tâm mong muốn huyện và các cấp, ngành khẩn trương bàn giao cơ sở vật chất, để đơn vị hoạt động ổn định. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, quản lý và giáo viên đảm bảo việc dạy và học hiệu quả.

Việc tái lập Trung tâm GDTX cấp huyện là chủ trương đúng; học sinh được đào tạo kiến thức và có cơ hội học nghề mà chỉ có Trung tâm GDTX mới có chức năng liên kết đào tạo, góp phần tích cực trong công tác phân luồng học sinh sau THCS. Các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, hỗ trợ về đội ngũ cán bộ, giáo viên; cơ sở vật chất để các Trung tâm GDTX hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới