Nâng cao chất lượng, uy tín nông sản an toàn

Năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, góp phần đưa sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh trở thành “Hiện tượng Sơn La” với diện tích cấp mã số vùng trồng, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự tiếp tục được mở rộng. Uy tín nông sản an toàn Sơn La tiếp tục được khẳng định trên thị trường, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn của tỉnh.

 

Nông dân xã Mường Hung (Sông Mã) trồng bưởi theo quy trình VietGAP.

 

Trong năm, toàn tỉnh có 74 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP với các sản phẩm: Rau, củ, cây ăn quả, chè, cà phê, thịt lợn, mật ong, thủy sản... Có 1 cơ sở được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP với sản phẩm nho Hạ Đen của Công ty cổ phần Giống cây trồng Sơn La. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.730 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực, tăng 1.069 ha so với năm 2019. Toàn tỉnh có 181 mã số vùng trồng cây ăn quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu với tổng diện tích 4.670 ha; trong đó, xuất sang thị trường Trung Quốc 130 mã, gồm: Nhãn, xoài, chuối, thanh long, với tổng diện tích 4.271 ha; có 51 mã số vùng trồng gần 400 ha nhãn, xoài, mận, bơ được xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ... Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thực hiện giám sát việc ghi chép sổ sách, tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... tại tất cả mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp và triển khai quản lý, giám sát, hướng dẫn các hợp tác xã đã được cấp mã số vùng trồng sản xuất theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

 

Về công tác tổ chức xây dựng, duy trì và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, phát triển thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu được cả hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 21 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận bảo hộ; trong đó, có 3 sản phẩm (chè Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La) đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý; 15 sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận, gồm: Chè Olong Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, gạo nếp tan Mường Và, chè Phổng Lái, cá Tầm Sơn La, cá Sông Đà Sơn La...; sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu được đăng ký thành công bảo hộ sản phẩm tại Thái Lan. Năm 2020, toàn tỉnh xây dựng, duy trì và phát triển 196 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, tăng 72 chuỗi so với năm 2019. Tỉnh ta đã thực hiện hỗ trợ 79 gian hàng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm ở trong tỉnh và ngoài tỉnh.

 

 

Nông dân xã Chiềng Khoong (Sông Mã) trồng cam theo quy trình VietGAP.

 

Về công tác giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được triển khai tích cực; qua đó, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp vào nền nếp, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Không có vi phạm lớn và không có đối tượng phải khởi tố hoặc chuyển cơ quan điều tra liên quan đến lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong năm, các cơ quan chức năng đã lấy 112 mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; trong đó, có 104 mẫu đạt và 8 mẫu không đạt, đã được các cơ quan chức năng yêu cầu chủ cơ sở sản xuất truy xuất nguồn gốc và cam kết khắc phục, không để tái diễn. Lấy 11 mẫu phân bón để kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng; trong đó, có 9 mẫu đạt yêu cầu, 2 mẫu không đáp ứng quy định bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

 

Ông Hồ Trung Kiên, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Đến nay, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm của các hộ sản xuất, kinh doanh trong tỉnh đã được nâng lên. Kết quả kiểm tra, thẩm định các cơ sở đáp ứng quy định của pháp luật đạt tỷ lệ cao. Những hành vi vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, nhờ vậy mà quy mô, diện tích áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn tiếp tục được mở rộng; uy tín thương hiệu nông sản an toàn Sơn La tiếp tục được khẳng định trên thị trường. Đây là yếu tố quan trọng thu hút các doanh nghiệp lớn, như Tập đoàn TH đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ; Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao xây dựng Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La...

 

Nhiệm vụ năm 2021, Sở Nông nghiệp tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; duy trì 196 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn và phát triển mới 67 chuỗi mới, nâng tổng số 263 chuỗi được xác nhận. Duy trì và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản tại thành phố Hà Nội và các tỉnh trong nước, phấn đấu 100% nông sản, thủy sản an toàn sản xuất trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ ổn định tại thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới