Nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp

Gần đây, số lượng các HTX nông nghiệp ở tỉnh tăng nhanh qua các năm. Để giúp các HTX hoạt động hiệu quả, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các HTX nông nghiệp phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân khu vực nông thôn.

                                       

Thành viên HTX Quyết Chí, xã Mường Chanh chăm sóc vườn chanh leo.

             

Điển hình như HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú (Mường La) được thành lập tháng 11/2014 với 7 thành viên, liên kết các hộ sản xuất để chủ động tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương. Những ngày đầu thành lập, HTX gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm do chưa có thương hiệu và chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; trình độ năng lực quản lý của Ban Giám đốc HTX vẫn còn hạn chế.  Anh Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc HTX thông tin: Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng huyện và tỉnh, HTX đã được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ mới trong trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ vậy, năm 2017, HTX đã liên kết với HTX nông nghiệp xanh 26-3 (Thành phố); HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh (Mai Sơn); HTX Nấm Thảo Nguyên (Mộc Châu)... thành lập Liên hiệp HTX hàng nông sản an toàn Sơn La tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để đưa nông sản địa phương xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đảm bảo bao tiêu sản phẩm và nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX. Đến nay, HTX có 20 thành viên sản xuất hơn 200 ha cây ăn quả. Cùng với đó, HTX còn mở rộng kinh doanh vật liệu xây dựng, cơ khí, kinh doanh tổng hợp, tạo việc làm thường xuyên cho 35-40 lao động địa phương, doanh thu năm 2019 đạt 12 tỷ đồng. Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp của HTX đang được tiêu thụ tại các cửa hàng rau, củ, quả an toàn trên địa bàn Thành phố và cung cấp cho một số tỉnh lân cận, như: Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và một số chợ đầu mối ở Hà Nội.

             

Mô hình trồng thanh long của HTX Nông nghiệp An Phú, phường Chiềng An (Thành phố).

             

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để giúp các HTX phát triển, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các HTX, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX mới; tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của HTX. Hằng năm, tổ chức bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần tạo lòng tin, đồng thuận tham gia vào thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp. 

             

Giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã hỗ trợ hơn 8,7 tỷ đồng cho 96 doanh nghiệp, HTX thực hiện mô hình liên kết sản xuất; hỗ trợ 10 tỷ đồng để duy trì, phát triển 144 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; thực hiện đưa 13 trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp; tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh, như: Tuần lễ nông sản an toàn tại Siêu thị BigC Hà Nội, Hội chợ thương mại, nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La; các hội chợ, tuần hàng giới thiệu nông sản tại các siêu thị ở các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thanh Hóa... Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đã tạo điều kiện cho các HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đến thị trường các tỉnh bạn, tạo cơ hội giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ... Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp nên các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh có 580 HTX nông nghiệp, hoạt động trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, nước sạch nông thôn, nông nghiệp tổng hợp; trong đó, có 184 HTX nông nghiệp có tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên; 86 HTX nông nghiệp tham gia liên kết; 28 HTX nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP; 174 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ước đến cuối năm 2020, có 60% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả so với mục tiêu đề ra.

             

Có thể thấy, với những cơ chế, chính sách phù hợp đã tạo động lực cho các HTX nông nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Cùng với đó, các HTX cũng cần thay đổi tư duy sản xuất, tìm kiếm thị trường, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có như vậy mới đảm bảo lợi ích của các thành viên và đóng góp quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới