Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

LTS: Ngày 5/5/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Đình Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Ngọc Chiến (Mường La) khám bệnh cho người cao tuổi.

 

PV: Xin bác sỹ cho biết tình hình công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua?

Bác sỹ Trần Đình Thuận: Tính đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh có gần 85.000 người từ 60 tuổi trở lên, trong đó 11.030 người cao tuổi thuộc gia đình hộ nghèo. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Việc phổ biến kiến thức và biện pháp phòng chống bệnh thường gặp ở người cao tuổi còn hạn chế. Hiện nay, các bệnh viện trong tỉnh chưa có lão khoa, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sóc khỏe người cao tuổi. Cùng với đó, các trang thiết bị y tế thiết yếu tại các bệnh viện chưa đáp ứng nhiệm vụ này, đó là thiếu máy thở, máy theo dõi chức năng sống, điện tim, đo độ loãng xương, máy tạo ô xy... Trong khi đó, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi chưa thường xuyên; công tác tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa được sâu rộng... Trước thực tế trên, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND về thực hiện Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”.

PV: Những kết quả ban đầu sau khi Kế hoạch 77/KH-UBND được ban hành, thưa bác sỹ?

Bác sỹ Trần Đình Thuận: Kế hoạch 77/KH-UBND được ban hành với mục đích nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, giúp người cao tuổi được đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao, chi phí và hình thức phù hợp tại cơ sở y tế và gia đình. Vì vậy, trong hơn 1 năm qua, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành, các cấp triển khai nhiều hoạt động thiết thực phù hợp với từng địa phương để người cao tuổi được quan tâm chăm sóc sức khỏe trong điều kiện tốt nhất có thể. Trong đó, tổ chức tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, phổ biến kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các xã, phường, thị trấn, nhằm làm thay đổi hành vi của cộng đồng về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm phụng dưỡng người cao tuổi của gia đình có người cao tuổi. Tăng cường công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở các bệnh viện, trạm y tế theo quy định tại Thông tư 35/TT-BYT của Bộ Y tế. Theo đó, các khoa của các bệnh viện bố trí phòng, giường ưu tiên dành cho người cao tuổi điều trị nội trú. Hằng năm, các bệnh viện phối hợp với trung tâm y tế, trạm y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ, phát thuốc, tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi nhân dịp Tháng hành động vì người cao tuổi, Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10... Theo thống kê, trong hơn 1 năm qua, các bệnh viện, các trạm y tế đã khám và phát thuốc cho 63.316 người cao tuổi (bằng 62,8% tổng số người cao tuổi toàn tỉnh); 50,4% số người cao tuổi trong toàn tỉnh được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 75.193 người cao tuổi được cấp thể bảo hiểm y tế; khám sàng lọc các bệnh về mắt cho gần 4.000 người cao tuổi; tặng quà cho 11.567 người cao tuổi, trị giá trên 1,5 tỷ đồng, trong đó có 8.065 người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

PV: Xin bác sỹ cho biết những mục tiêu thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?

Bác sỹ Trần Đình Thuận: Với mục tiêu: 100% người cao tuổi, người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc và các kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; 80% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ từ 1 lần/năm trở lên và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; 90% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 5% số người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không có khả năng tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại gia đình, không có điều kiện chi trả được chăm sóc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung hằng năm... Để đạt được những mục tiêu trên, trước hết các cấp ủy đảng, các ban ngành, đoàn thể các cấp cần nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Riêng với ngành Y tế, xây dựng kế hoạch đào tạo bác sỹ chuyên khoa lão khoa; bồi dưỡng kiến thức về lão khoa cho người chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời, đẩy mạnh củng cố hệ thống y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi. Trong đó, bổ sung trang thiết bị thiết yếu cho trạm y tế xã để phục vụ tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; triển khai nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại các bệnh viện theo quy định...

PV: Xin cảm ơn bác sỹ.

Hồng Luận (Thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới