Mường Giôn tập trung phát triển kinh tế

Trở lại xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai) lần này, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay ở vùng đất nơi đây. Đường giao thông rải nhựa; các công trình phúc lợi được đầu tư kiên cố, khang trang, tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế. Năm 2020, thu nhập bình quân ở xã đạt 28,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,6%.

Mô hình nuôi gia cầm của nông dân bản Bo Xanh, xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai).

Trong những năm qua, từ tiềm năng, lợi thế ở địa phương, xã đã vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, nhất là đưa các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, như: Xoài, nhãn, bưởi, dứa...; xây dựng các mô hình chăn nuôi phù hợp với lợi thế ở từng bản; kết hợp phát triển kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể của xã nhận ủy thác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai cho hơn 1.000 hội viên, nông dân, các HTX trên địa bàn vay mở rộng sản xuất, kinh doanh, với tổng dư nợ trên 123 tỷ đồng. Hằng năm, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách chăm sóc và thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

Ngoài thâm canh hơn 500 ha lúa 2 vụ, năng suất đạt hơn 5 tấn/ha, những năm gần đây, người dân Mường Giôn còn xây dựng các mô hình kinh tế, như: Trồng xoài Thái Lan, bưởi da xanh theo công nghệ tưới ẩm và tưới nhỏ giọt tại bản Mấc Líu và bản Bo Xanh; trồng cây sa nhân dưới tán rừng ở bản Huổi Ngà... Hiện các mô hình này đang phát triển tốt, bắt đầu thu được sản phẩm. Xã hiện có hơn 200 ha cây ăn quả các loại, trong đó, trên 80 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 120 tấn quả các loại/năm. Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân chuyển đổi hơn 60 ha đất trồng cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả, đất vườn tạp để trồng cỏ voi VA06 làm nguồn thức ăn chăn nuôi đại gia súc. Nhân dân các bản hiện đang chăm sóc hơn 15.000 con gia súc; trên 47.000 con gia cầm các loại.

Các hộ dân trong xã đã liên kết thành lập được 4 HTX, trong đó, 3 HTX trồng dứa, 1 HTX trồng cây ăn quả, gắn với phủ xanh đất trống đồi trọc, với hơn 100 thành viên tham gia. Toàn xã có hơn 9.200 ha đất có rừng, trong đó trên 5.500 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ và rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Ông Hoàng Văn Lợi, bản Bo Xanh (Mường Giôn), chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi vịt cổ xanh thả dưới bờ suối hay mắc bệnh, gây ô nhiễm nguồn nước. Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh do huyện, xã tổ chức, năm 2010, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng chăn nuôi rộng hơn 200 m² để nuôi gần 400 con gà, ngan, vịt. Đàn gia cầm phát triển tốt, trung bình mỗi năm xuất bán hơn 6 tạ thịt, thu trên 60 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi 20 con lợn thịt; 4 con trâu, thu hơn 100 triệu đồng/năm từ bán lợn, trâu.

Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cũng được xã chú trọng đẩy mạnh. Hiện trên địa bàn xã có 173 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu; 4 hộ sản xuất gạch ba banh, trung bình mỗi năm sản xuất được hơn 10.000 viên gạch ba banh; ngoài ra còn cung ứng trên 5 nghìn tấn vật liệu xây dựng, như, xi măng, sắt thép, cát, đá, gạch đất nung... tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương.

Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển kinh tế của xã trong thời gian tới, ông  Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, liên kết thành lập hợp tác xã; tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao vào sản xuất... Nâng cao mức sống cho nhân dân.

A Mua
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới