Mường Do thêm nhiều cây trồng mới

Khai thác điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng, những năm gần đây, xã Mường Do, huyện Phù Yên đã đưa nhiều loại cây trồng mới vào trồng thử nghiệm bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Người dân bản Páp, xã Mường Do trao đổi kinh nghiệm trồng cây gai xanh.

Mường Do có trên 1.200 ha đất sản xuất nông nghiệp, tương đối bằng phẳng, màu mỡ, khí hậu mát mẻ thích hợp cho phát triển nhiều loại cây ôn đới. Những năm trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng lúa nương, ngô, sắn thu nhập thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo gần 20%. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp được xã quan tâm, đưa các loại cây trồng mới, vào trồng thử nghiệm để lựa chọn cây trồng phù hợp.

UBND xã đã chọn bản Páp trồng thử nghiệm khoảng 100 ha ngô sinh khối (ngô ủ ướp), làm thức ăn nuôi gia súc nhốt chuồng. Ưu điểm của loại ngô này là thời gian trồng ngắn khoảng 2 tháng rưỡi; 1 ha thu hoạch được 40 tấn, thu nhập từ bán ngô sinh khối sẽ giúp người nông dân thu lãi từ 25-30 triệu đồng/ha. Với hiệu quả mang lại, hiện 9 bản của xã đã triển khai trồng trên 200 ha ngô sinh khối.

Ông Đinh Văn Huy, ở bản Pát - người đầu tiên trong bản trồng thử nghiệm cây sa nhân. Cây dược liệu này cho thấy sự phù hợp với đồng đất, nên phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Từ mô hình đầu tiên, hiện nhiều hộ dân trong bản Páp cũng tham gia trồng sa nhân với tổng diện tích 3 ha. Ông Huy chia sẻ: Lúc đầu gia đình tôi trồng trên 2.000 m² trồng dưới chân núi đá trong khu đất sản xuất; sau một thời gian thấy cây sa nhân phát triển rất tốt và không mất quá nhiều công chăm sóc nên tôi đã mở rộng diện tích lên 5.000 m². Sau lứa thu hoạch đầu tiên vào cuối năm nay, căn cứ vào giá bán, hiệu quả kinh tế để mở rộng diện tích trồng sa nhân.

Cây gai xanh cũng được lựa chọn ở Mường Do, đến nay, diện tích trồng gai xanh đạt trên 60 ha. Bà Hà Thị Dung, bản Lằn, xã Mường Do đã tham gia trồng thử nghiệm gai xanh với diện tích 3.000 m², cho biết: Gia đình tôi được HTX nông nghiệp BTH cung cấp cây giống và phân bón. Nhận thấy hiệu quả mang lại sau lứa thu hoạch đầu tiên, tôi đã đề nghị HTX cung cấp thêm cây giống để trồng thêm 5.000 m². Năm 2021, thu 600 kg vỏ gai khô, bán được 45 triệu đồng, cao hơn so với trồng ngô và trồng sắn. Thân cây và lá tôi cũng có thể sử dụng làm thức chăn nuôi, nhờ vậy tiết kiệm đáng kể chi phi.

Một trong những loại cây đưa vào trồng thử nghiệm đã cho hiệu quả kinh tế cao ngay trong vụ đầu tiên đó là dâu tây. Cây trồng này được anh Hà Văn Đức, bản Lằn mua cây giống và học hỏi kinh nghiệm quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch từ xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Anh Đức, cho biết: Tôi đã trồng thí điểm cây dâu tây trên diện tích 1.000 m², số vốn đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu đồng để mua cây giống và phân bón. Sau khi kết thúc vụ thu hoạch dâu tây vào cuối tháng 3 năm 2022, trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 25 triệu đồng. Từ kết quả này, tôi dự định nhân rộng diện tích trồng dâu tây lên 2.000 m².

Trao đổi với chúng tôi về việc đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất, bà Hà Thị Én, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Do, chia sẻ: Hỗ trợ người dân trồng thử nghiệm các loại cây trồng mới, UBND xã đã cử cán bộ khuyến nông thường xuyên bám nắm cơ sở, hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật trong quá trình trồng thử nghiệm. Đồng thời, đánh giá mức độ sinh trưởng, phát triển của cây, nhằm kịp thời đưa ra những điều chỉnh phù hợp. UBND xã sẽ tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả của từng loại cây đang trồng thử nghiệm tại địa phương, từ đó lựa chọn các cây trồng phù hợp để nhân rộng.

Với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, tin tưởng quá trình trồng thử nghiệm, Mường Do sẽ lựa chọn được những cây trồng phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế vào sản xuất, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới