Một số giải pháp phát triển kinh tế bền vững

Trong những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị để vận dụng sáng tạo, có hiệu quả vào hoàn cảnh thực tiễn của địa phương, đưa Sơn La từng bước đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Đến hết năm 2019, tỉnh Sơn La đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

 

 

Phiên giao dịch tại Agribank Chi nhánh Bắc Yên.

Ảnh: Phạm Đức

 

Giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân khoảng 6,18%/năm. Năm 2019, tổng sản phẩm bình quân ước đạt 43,9 triệu đồng/người/năm, tăng 13 triệu đồng so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2018. Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Toàn tỉnh có 41 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 18 xã so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV). Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện, tỉnh có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu; 18 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và 1 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài. Phát triển và duy trì hiệu quả 124 chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn (tăng 68 chuỗi so với năm 2018). Tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Năm 2019, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 150 triệu USD (tăng 30,4% so với năm 2018); trong đó đã xuất khẩu 16 loại nông sản thực phẩm, giá trị xuất khẩu đạt 142 triệu USD (tăng 26% so với năm 2018).

 

 

Chăm sóc nhãn theo quy trình VietGAP được giám sát qua hệ thống camera tại HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng (Yên Châu). 

Ảnh: Phạm Đức

 

Những năm qua, cơ cấu kinh tế tỉnh Sơn La chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của một tỉnh miền núi có nền nông nghiệp truyền thống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng khuyến khích phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Các cấp ủy, chính quyền đã thực hiện nhiều biện pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường bền vững, tránh tình trạng “được mùa mất giá”, thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến, làm tăng giá trị sản phẩm, tạo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Hết năm 2019, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 80.000 ha, trong đó, 12.672 ha cây ăn quả ghép cải tạo bằng các giống mới, chất lượng cao; nhiều diện tích cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/ha.

 

Những thành tựu về kinh tế quan trọng của Sơn La cho thấy, những bước đi đúng trong quá trình phát triển bền vững về kinh tế của tỉnh. Những thành tựu đó không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế. Tuy nhiên, năm 2019, Sơn La mới có khoảng 2.590 doanh nghiệp. Trong khi đó, năm 2018, ở lĩnh vực nông nghiệp, số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương là 451 hộ, cấp tỉnh 2.579 hộ. Tháng 1/2020, gần 8.000 hộ kinh doanh trên các lĩnh vực ngành nghề đủ điều kiện nộp thuế. Song, các hộ sản xuất nông nghiệp hay kinh doanh cá thể có những hạn chế nhất định về khả năng tiếp cận thị trường, vốn, trình độ khoa học công nghệ, quản trị. Nhiều hộ kinh doanh không muốn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, cho dù tỉnh đã có nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Trong quá trình phát triển kinh tế, nguồn lực lao động của tỉnh lớn, nhưng chất lượng chưa cao, mà đó lại là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định để kinh tế phát triển đi vào chiều sâu.

 

 

Đưa nguyên liệu vào chế biến tại Nhà máy Mía đường Sơn La.

Ảnh: Phạm Đức

 

Hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra mạnh mẽ và là vấn đề mang tính toàn cầu, tác động mạnh tới quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế Sơn La, như: Nguồn nước ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm; đất đai bạc màu, dễ bị xói mòn, lũ quét, lũ ống diễn ra phức tạp… Trước thực tế trên, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, nhằm giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, như: Tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học công nghệ cho người lao động, hướng dẫn nông dân sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách...

 

Xuất phát từ những thành tựu về phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian qua, đồng thời để tăng cường phát triển bền vững, trong đó coi trọng việc chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu, thiết nghĩ cần quan tâm giải quyết một số vấn đề sau:

 

Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trình độ lao động trong nông nghiệp, nông thôn để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ trong nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải đẩy mạnh đào tạo nghề, chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, hạn chế tình trạng lao động “Ly hương”, để người dân “làm giàu trên quê hương của mình”.

 

Hai là, xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại thành phố Sơn La, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì hiện nay, số lượng doanh nghiệp ở tỉnh còn ít, quy mô nhỏ bé. Trong khi đó, có nhiều tiềm năng phát triển doanh nghiệp từ các hộ kinh doanh cá thể thành các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Do đó, tỉnh cần có những giải pháp cụ thể để định hướng, khuyến khích các hộ kinh tế cá thể chuyển đổi mô hình thành các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đúng quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, xuất phát từ vị trí địa lý, kinh tế, chính trị và quy hoạch phát triển của Thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tiểu vùng Tây Bắc, nơi đây có các cơ sở đào tạo lớn của vùng, nhất là Trung tâm tổng hợp của tỉnh. Cùng với đó, thành phố Sơn La cách 2 cửa khẩu khoảng 100 km, có tiềm năng phát triển quan hệ đối ngoại về nhiều mặt. Do vậy, việc xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Sơn La là hết sức cần thiết và hợp lý.

 

Ba là, cùng với việc đẩy mạnh hàng loạt các giải pháp tiếp cận, tìm kiếm thị trường bền vững, cần thực hiện các giải pháp quy hoạch mạng lưới sản xuất: Quy hoạch vùng trồng, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý nguồn nguyên liệu, chế biến sau thu hoạch, xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Đồng thời, quy hoạch vùng nguyên liệu còn đảm bảo an toàn cho vùng đất dốc, chống bạc màu, xói mòn. Không phát triển cây ăn quả trên đất dốc một cách ồ ạt, không theo quy hoạch, tránh ảnh hưởng tới việc phát triển rừng, ảnh hưởng xấu tới phát triển bền vững.

 

Bốn là, đầu tư thỏa đáng cho giáo dục – đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là yếu tố quan trọng mang tính chất quyết định cho sự tăng trưởng và phát triển. Nhất là trong giai đoạn chuyển đổi từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu thì chất lượng nguồn nhân lực càng phải đặc biệt được coi trọng. Do vậy, việc đầu tư cho giáo dục - đào tạo chính là sự đầu tư cho phát triển bền vững, cho sự phát triển lâu dài mang tính chiến lược.

 

 

Một giờ trên lớp của cô và trò Trường Tiểu học xã Tạ Khoa, Bắc Yên

 

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta tiếp tục phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, không ngừng nỗ lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng Sơn La phát triển tphát triển nhanh và bền vững, góp phần cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.                               

 

Cầm An - Minh Nguyệt (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới