Mộc Châu tạo việc làm cho người sau cai nghiện

Song hành với việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn theo Kết luận số 321- KL/HU về tăng cường lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 của Huyện ủy Mộc Châu, đó là tạo việc làm cho người sau cai nghiện, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần xóa nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trong huyện.

 

Cán bộ xã Đông Sang (Mộc Châu) động viên anh L.V.Ô.

Trong một lần đến bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu), chúng tôi được nghe người dân kể lại anh L.V.Ô là một người rất khéo tay, thường xuyên đi dựng nhà cho các chủ homestay trong bản. Được biết, anh L.V.Ô đã từng sử dụng ma túy và mới hoàn thành quá trình cai nghiện tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh vào tháng 8/2017. Để hiểu hơn việc anh Ô có việc làm, hòa nhập cộng đồng, chúng tôi cùng chị Lường Thị Hiền, Công an viên của xã Đông Sang đến nhà anh L.V.Ô. Trên đường đi, chị Hiền thông tin, hiện nay, xã Đông Sang đang quản lý trên 10 người sau cai nghiện. Để giúp nhóm người này tái hòa nhập cộng đồng, cấp ủy, chính quyền xã đã phân công nhiệm vụ cho các đoàn thể của xã và chi bộ, ban quản lý các bản thường xuyên theo dõi, giúp họ không tái nghiện, cũng như kịp thời nắm bắt mong muốn, nguyện vọng của họ về tìm kiếm việc làm.

Chúng tôi đến nhà anh L.V.Ô đúng lúc anh đang say sưa đẽo, gọt những khúc gỗ để dựng nhà. Sau những lời chào hỏi, anh Ô tâm sự: Sau khi cai nghiện ở Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh trở về, tôi luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ và những lời động viên của cán bộ xã, ban quản lý bản, và nhất là bà con trong bản ai cũng cảm thông với những sai lầm tôi đã mắc phải, đồng thời tạo điều kiện để tôi phát huy được nghề mộc đã học được trong thời gian điều trị tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh, để có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo anh Ô, những người lầm lỡ như anh luôn có tâm lí tự ty, ngại tham gia các hoạt động ở địa phương, trong đó có việc tham gia các lớp dạy nghề do huyện tổ chức. Vì họ nghĩ rằng, bản thân những người sử dụng lao động sẽ rất e  ngại khi sử dụng những người sau cai nghiện vào làm việc tại đơn vị mình, vì vậy nếu có học nghề cũng khó có thể tìm được việc làm. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số người sử dụng lao động trên địa bàn huyện Mộc Châu, khi UBND huyện Mộc Châu đề nghị họ giúp đỡ những người sau cai nghiện có việc làm, đơn vị rất sẵn lòng tuyển dụng nhóm lao động này. Nhưng trong quá trình làm việc, một số ít người thuộc nhóm đối tượng này lười lao động, bỏ việc; một số trường hợp chỉ làm việc khoảng 1-2 tháng là tự nghỉ việc, gây khó khăn cho đơn vị sử dụng lao động. Song, cũng có nhiều trường hợp làm việc khá hiệu quả, có thu nhập ổn định, với quyết tâm làm lại cuộc đời.

Ông Hà Văn Cường, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mộc Châu cho biết: Sau khi nghe phản ánh của các chủ doanh nghiệp, các HTX về việc một số người sau cai nghiện lao động bỏ việc sau một thời gian ngắn làm việc, Phòng đã tìm hiểu và xác định được một số nguyên nhân. Từ đó, tham mưu với UBND huyện tăng cường giáo dục ý thức lao động cho nhóm người lao động này từ khi tham gia các lớp học nghề. Trong đó, giải thích rõ với họ rằng, ý thức làm việc của bản thân họ sẽ là cơ hội có việc làm của nhiều người đã chót lầm lỡ khác và đây cũng là cơ hội để họ làm lại cuộc đời. Đợt đánh giá cuối năm 2018 về tạo việc làm cho người sau cai nghiện, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ lao động sau cai nghiện bỏ việc giữa chừng đã có giảm nhiều, họ gắn bó với cơ sở sử dụng lao động hơn trước.

Thực tế cho thấy, nếu không có việc làm thường xuyên, nhóm người sau cai nghiện sẽ rất dễ quay trở lại con đường lầm lỡ, như buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Trước thực tế trên, trong hai năm qua (2017, 2018) huyện Mộc Châu đã tổ chức 6 lớp dạy nghề cho nhóm người này, gồm: Sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, kỹ thuật nghề xây dựng, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... với trên 200 người sau cai nghiện tham gia. Ngoài ra, còn liên kết với các doanh nghiệp, các HTX trên địa bàn huyện tạo việc làm cho họ, với những công việc phù hợp với khả năng của từng người. Nhờ đó, hiện Mộc Châu đã có khoảng 70% số người sau cai nghiện được đào tạo nghề và đã có việc làm...

Tuy việc đào tạo nghề và tạo làm cho người sau cai nghiện của huyện Mộc Châu còn gặp nhiều khó khăn, bởi những lý do khác nhau, nhưng với đạo lý nhân văn “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, huyện Mộc Châu đang tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của nhóm lao động này và kết nối họ với người sử dụng lao động, giúp họ có việc làm, tái hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới