Mộc Châu chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản

Cao nguyên Mộc Châu có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn, nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau là điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp và phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, đặc biệt là các loại quả ôn đới, rau hoa chất lượng cao. Thương hiệu các sản phẩm nông sản Mộc Châu đang ngày càng được người tiêu dùng cả nước biết đến và tin dùng như: Sữa, quả bơ, rau an toàn, chè và một số mặt hàng nông sản khác.

 

Các hộ dân xã Tân Lập, Mộc Châu phát triển cây ăn quả có múi.

Những năm qua, huyện Mộc Châu đã đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản chủ lực, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để xây dựng thương hiệu cho các nông sản, huyện tăng cường quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Rau an toàn Mộc Châu”; “Chè Olong Mộc Châu” và cấp tem nhãn để phát triển sản phẩm. Hiện nay, huyện đang phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ và Công ty Nghiên cứu & Tư vấn chuyển giao công nghệ & đầu tư (Concetti) xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Mộc Châu”. Dự kiến hoàn thành và công bố nhãn hiệu trong vụ thu hoạch bơ năm 2018, giúp cho sản phẩm quả bơ Mộc Châu được giới thiệu rộng rãi ra thị trường, nâng cao thu nhập cho người trồng bơ và mở rộng diện tích trồng trong những năm tới.

Đồng chí Nguyễn Thị Hòa, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu cho biết: Để xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực của huyện thì công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Những năm qua, huyện luôn duy trì tổ chức các ngày hội như: Hội trà Cao Nguyên, Ngày hội hái quả; hội thi Hoa hậu bò sữa và tổ chức các gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vào dịp ngày 2/9. Việc tổ chức các ngày hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hàng năm đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí và đông đảo du khách tham gia. Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa các mặt hàng đến gần hơn với người tiêu dùng, các doanh nghiệp, cửa hàng đại lý, cửa hàng phân phối bán lẻ sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn. Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là đối với những sản phẩm nông sản thế mạnh của huyện, sẽ giúp cho việc định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ngày càng rõ nét.

Đến thăm Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu tại bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu là một trong những đơn vị được cấp chứng nhận ”Rau an toàn Mộc Châu”. Hiện, Công ty có vùng sản xuất cà chua, bắp cải với diện tích 8 ha, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường thành phố Hà Nội qua các kênh trung tâm thương mại, siêu thị Vinmart... Trong năm 2017, Greenfarm đã cung cấp cho thị trường Hà Nội trên 200 tấn cà chua. Trong đó, chủ yếu là cung cấp cho hệ thống siêu thị VinEco, các sản phẩm của Công ty luôn đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tốt, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn và đã hình thành thương hiệu cà chua sạch trên cao nguyên Mộc Châu.

Hướng đến mục tiêu bền vững trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mộc Châu đã đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn huyện có 22 chuỗi tiêu thụ sản phẩm, gồm: 12 chuỗi tiêu thụ sản xuất rau, củ, quả an toàn với tổng diện tích trên 40 ha; 8 chuỗi tiêu thụ quả an toàn (mận, chanh leo, nhãn, xoài, bưởi, dâu tây, bơ...) với tổng diện tích trên 80 ha; 2 chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi là: Chuỗi chăn nuôi lợn thịt của Công ty TNHH Kiên Sơn và chuỗi nuôi ong mật của HTX dịch vụ cựu chiến binh Mộc Châu. Năm 2017, huyện còn  tổ chức 51 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hơn 2.340 lượt người tham gia, như: Sản xuất theo quy trình VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi và hướng dẫn sản xuất theo mùa vụ, tư vấn dịch vụ; kỹ thuật cải tạo vườn tạp, đốn tỉa và ghép mắt cây ăn quả; cấy lúa cải tiến SRI; trồng cây ngô làm thức ăn cho bò sữa; trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi; trồng cây chanh leo, trồng ngô trên đất dốc có vật liệu che phủ; chăn nuôi bò sinh sản, nuôi lợn nái và nuôi lợn đực giống; phòng chống đói, rét, dự trữ thức ăn vụ đông cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn sử dụng phun các loại chế phẩm sinh học trên cây mận hậu; phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng. Qua đó, giúp người dân nâng cao kiến thức để sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả.

Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành cùng với sự nỗ lực của người dân, tin rằng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Mộc Châu tiếp tục khẳng định được thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, ổn định.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới