Màu xanh bình yên trên đảo Sơn Ca

Sau một ngày dài di chuyển từ Song Tử Tây, chúng tôi cập đảo Sơn Ca giữa buổi trưa hè nắng chói chang. Cái ngột ngạt, oi ả như tan biến bởi quang cảnh trên đảo thật bình yên, cây cối xanh tốt, nhiều loài cây lâu năm tán lá xum xuê, rợp bóng mát, rất thích hợp với điều kiện sống của loài chim sơn ca. Phải chăng cái tên của đảo cũng xuất phát từ đây?

Chiến sỹ đảo Sơn Ca chăm bón vườn rau xanh.

Vừa đặt chân lên đảo Sơn Ca, ngay lối vào là hai hàng hoa giấy sắc trắng, hồng, tím đung đưa trong gió biển như chào đón mọi người. Ở đâu trên đảo cũng tràn ngập màu xanh, màu xanh của hàng trăm cây bàng vuông được trồng khắp các lối đi, màu xanh của biển cả và màu xanh của áo lính. Sát cạnh cầu tàu dẫn vào đảo là công viên mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp khang trang, rộng rãi. Uy nghi tại vị trí trang trọng nhất là bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp hướng mắt về đất liền, ngay phía sau là hình lá cờ Tổ quốc và bức tường gắn 103 tấm ảnh (tượng trưng tuổi thọ của Đại tướng) mô tả sinh động cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng cùng sự hình thành, phát triển của lực lượng Hải quân nói riêng và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung. Trung tá Phạm Doãn Thảo, Chính trị viên Cụm 1 đảo Sơn Ca xúc động: Biết tin Đại tướng qua đời, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã huy động 103 ngày công xây dựng công viên này. Trước đây, nơi này chỉ là bãi cát trắng khô cằn, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã kiên trì cải tạo. Bên cạnh những cây bàng vuông, cây phong ba... các tổ chức, cá nhân ở mọi miền Tổ quốc còn gửi tặng nhiều loại cây cảnh, hoa quý để trồng trên đảo.

Phía cuối đảo là ngọn hải đăng ngày đêm làm nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền qua lại. Đây là ngọn đèn biển có vị trí chiến lược trên con đường hàng hải quốc tế, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Cách công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp không xa, ngôi chùa Sơn Linh Tự thấp thoáng dưới tán cây xanh, là nơi sinh hoạt tâm linh của quân và dân trên đảo. Đảo Sơn Ca vốn dĩ là nơi chỉ có cát san hô, không có đất, không có nước ngọt..., nhưng dưới đôi bàn tay cần cù của cán bộ chiến sĩ và nhân dân nơi đây, cây xanh đã đâm chồi nẩy lộc, phát triển tốt tươi.

Một hình ảnh thật lãng mạn trên đảo này khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên, đó là những giò lan tím ngắt, khoe sắc rực rỡ trên cành một số cây bàng vuông, được các chiến sỹ che chắn rất cẩn thận. Lan là loài ưa khí hậu ẩm ướt, thoáng mát, ấy vậy mà chúng lại “bén duyên” và chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt nơi đảo xa. Chiến sỹ Nguyễn Quốc Dưỡng tỏ ra rất thông thạo trong việc chăm sóc hoa lan, anh bảo: Để các loài hoa phong lan thích nghi với khí hậu khắc nghiệt nơi đây, đòi hỏi phải chăm sóc rất kỹ. Những vị trí treo giỏ phong lan là góc nhà, trên cành cây bàng vuông hoặc làm giàn để vừa tránh được hướng gió, vừa bớt hơi mặn của biển. Bây giờ, tại các đảo nổi ở Trường Sa, hoa phong lan đã dần trở nên phổ biến, đảo ít cũng có một giàn, đảo nhiều thì 4 - 5 giàn hoa lan. Bạn trẻ Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, từng nhiều lần đến với Trường Sa, chia sẻ: Lần đầu đến Trường Sa, thấy các chiến sỹ ở đảo phải dùng hoa giả để trang trí, tôi quyết tâm gửi phong lan ra Trường Sa; chia sẻ với anh em về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa phong lan, nhất là ở những vùng khí hậu nóng và khô, đưa ra các giải pháp kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới, trồng rau tiết kiệm nước cho phù hợp điều kiện ngoài đảo... Nhờ vậy, gần đây, các đảo ở Trường Sa đã có thêm nhiều loài hoa phong lan, nhiều loại rau xanh, góp thêm nhiều màu sắc yên bình nơi hải đảo quê hương.

Mặc dù đã hơn 5 giờ chiều, nhưng ánh nắng chói chang vẫn bao trùm khắp đảo. Tiếng còi tàu giục giã, báo hiệu thủy triều đang xuống, chúng tôi lưu luyến rời đảo. Đứng trên boong tàu, chúng tôi còn hướng mãi về đảo Sơn Ca, hòn đảo như một công viên xanh, hiên ngang giữa biển trời, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tạm biệt Sơn Ca và ước mong được một lần trở lại thăm hòn đảo yêu dấu này.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới