Mận Sơn La cơ bản đảm bảo tiêu thụ

Toàn tỉnh hiện có hơn 10.900 ha mận, thời điểm này, mận đang chín rộ. Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự năng động của nông dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, đến ngày 15/6, đã có hơn 57.567 tấn mận được tiêu thụ, ước đạt 84,4% tổng sản lượng năm nay. Tuy giá không được như mọi năm nhưng đại đa số nông dân vẫn có lãi.

Nông dân xã Phiêng Khoài (Yên Châu) thu hái mận hậu

Mộc Châu được xem là vựa mận với hơn 3.100 ha, trong đó có hơn 2.000 ha đã cho thu hoạch, sản lượng năm nay khoảng 14.880 tấn, đến nay cũng đã tiêu thụ trên 12.500 tấn. Ông Nguyễn Xuân Văn, Giám đốc HTX Nông sản sạch Mộc Châu, cho hay: Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, nên sức tiêu thụ và giá mận thấp hơn mọi năm. Hiện nay, đang vào thời điểm chính vụ, mỗi ngày HTX thu mua khoảng 20 tấn mận với giá trung bình từ 8-10 nghìn đồng/kg.

Trao đổi với ông Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, được biết: Huyện Mộc Châu đã thành lập Tổ xúc tiến tiêu thụ nông sản; xây dựng phương án tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Huyện tích cực phối hợp với các ngành của tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản nói chung và hiện đang tập trung thu hoạch, tiêu thụ mận. Hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX và các hộ dân đẩy mạnh giao dịch nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử.

Nông dân xã Phiêng Khoài (Yên Châu) đóng mận bán cho thương lái

Với thương hiệu mận Mộc Châu được khẳng định trên thị trường, năm nay, huyện tiếp tục khuyến khích, hướng dẫn nông dân sản xuất mận theo hướng an toàn, hữu cơ, chú trọng đầu tư chăm sóc, thực hiện tỉa cành, tạo tán, đầu tư hệ thống phun nước để mận cho thu hoạch lệch thời điểm chính vụ với những nơi khác nên được giá hơn. Thời điểm trái vụ, mận có giá từ 40-60 nghìn đồng/kg; hiện cũng được giá từ 8-15 nghìn đồng/kg, mận quả to đẹp, chất lượng tốt giá từ 30-35 nghìn đồng/kg.

Yên Châu năm nay có sản lượng mận cao nhất toàn tỉnh, 1.800/2.600 ha mận đến kỳ thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt trên 22.100 tấn. Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ mận của bà con nông dân, nhưng với nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản của địa phương, mận Yên Châu được các doanh nghiệp, HTX, các thương lái thu mua bán tại các chợ đầu mối, các siêu thị và qua kênh bán hàng online. Đến nay, toàn huyện đã tiêu thụ 16.210 tấn.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, chia sẻ: Chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu mận Yên Châu nên được các đơn vị, các tỉnh bạn đặt hàng, đồng thời hướng dẫn các hộ, HTX đưa sản phẩm mận kinh doanh trên hệ thống online, nên sản phẩm mận của huyện được tiêu thụ nhanh chóng. Huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị thu gom mận, như: HTX Toàn Phát, HTX Nông sản Nọong Piêu, HTX Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Tây bắc (Phiêng Khoài), HTX Tiến Đạt (Lóng Phiêng), HTX Hoa Mơ (Yên Sơn), HTX Kim Tiến (Chiềng Sàng) và một số hộ làm đầu mối thu gom, bán cho các thương lái tiêu thụ trong nước.

Phiêng Khoài là “thủ phủ” mận của huyện với 1.800 ha mận, năm nay có 1.400 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 13.000 tấn. Theo ông Bùi Quân, Phó Chủ tịch UBND xã, mận Phiêng Khoài được bón phân hữu cơ bằng phương pháp ủ phân chuồng với cùi ngô, ngô đậu tương xay xát và chủ yếu dùng thuốc sinh học để tạo sản phẩm chất lượng cao. Trên địa bàn, có 6 HTX đứng ra thu mua mận. Xã đã vận động các HTX liên kết với nhau tìm đầu ra cho bà con nông dân. Ngày 14/6, giá mận bình quân tại Phiêng Khoài 7 nghìn đồng/kg. Toàn xã đã tiêu thụ được gần 6.000 tấn. Mận năm nay mẫu mã đẹp, chất lượng, nên việc tiêu thụ cũng không mấy khó khăn.

Xác định những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hàng hóa do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, năm nay, tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực quảng bá xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến thông qua các hội nghị kết nối với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành khác; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kết nối với HTX thu mua sản phẩm, tiêu thụ cho nông dân.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, cho biết: Tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các địa phương vận động các danh nghiệp, HTX và người dân thâm canh theo hướng sản xuất sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường. Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nông dân về thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, đảm bảo cả 3 khâu, tiêu thụ trong nước, chế biến, xuất khẩu. Đối với sản phẩm mận, tỉnh tập trung tiêu thụ trong nước, gồm: Hệ thống siêu thị, chợ đầu mối. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở chế biến thành các sản phẩm OCOP như mận sấy dẻo, ô mai mận...

Mận Sơn La đẹp, giòn, ngọt, dóc hạt, loại 1 có giá hơn 60 nghìn đồng/kg

Nhạy bén khâu tiêu thụ trái cây năm nay là tỉnh phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee đưa trái cây, gồm cả mận lên sàn thương mại điện tử. Tỉnh đã kết nối với Công ty TNHH Mia fuit- doanh nghiệp chuyên về trái cây nhập khẩu đã lựa chọn trái mận hậu Sơn La làm sản phẩm cao cấp, mang thương hiệu “Mận hậu ruby Sơn La”, góp phần quảng bá, đẩy mạnh kích cầu tiêu thụ nông sản trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Bà Nguyễn Ngọc Huyền, đại diện Mia Fruit, chia sẻ: Khí hậu, thổ nhưỡng ở Sơn La phù hợp với cây mận hậu, người dân áp dụng tiến bộ KHKT trong trồng và chăm sóc, quả mận to, ngọt, róc hạt. Với mong muốn tạo vị thế mới cho trái mận, cũng như nông sản đặc trưng của tỉnh Sơn La, chúng tôi lựa chọn những quả mận chín đỏ, có kích thước to đồng đều, trung bình từ 18 -25 quả/kg để xây dựng thương hiệu với tên “Mận hậu Ruby Sơn La”. Nếu xét theo tiêu chí về hương vị, kích thước và vẻ đẹp bên ngoài, chúng tôi tin rằng “Mận hậu Ruby Sơn La” xứng đáng có vị trí cả trên thị trường thế giới.

Nông dân tiểu khu Bản Ôn, thị trấn nông trường Mộc Châu thu hoạch mận

Cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, năm nay, Hội Nông dân Sơn La cũng tích cực chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản bằng cách kết nối với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Phước... tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm cho người dân tại một số điểm chợ, kết nối với hệ thống các siêu thị BigC, VinMart… Đến nay, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh hỗ trợ tiêu thụ gần 790 tấn xoài; dự kiến trong vụ thu hoạch năm nay sẽ hỗ trợ người nông dân Sơn La tiêu thụ 10.000 tấn xoài, mận hậu.

Nông dân tiểu khu Bản Ôn, thị trấn nông trường Mộc Châu đóng mận chuẩn bị xuất bán

Theo thống kê của Sở Công Thương, từ đầu vụ đến ngày 15/6, toàn tỉnh tiêu thụ 57.567 tấn mận (xuất khẩu 20 tấn). Bình quân giá bán mận loại 1 từ 12 - 15 nghìn đồng/kg; từ 35 - 45 nghìn đồng/kg (tại huyện Mộc Châu); từ 45 - 65 nghìn đồng/kg (loại 10 - 20 quả/kg tại huyện Yên Châu). Mận loại 2 từ 10 - 15 nghìn đồng/kg; 15 - 20 nghìn đồng (huyện Mộc Châu). Giá mận khác khoảng 5 - 8 nghìn đồng/kg. Theo kinh nghiệm của một số hộ trồng mận, trong 1 tấn mận thì có 20% mận loại 1 và 30% mận loại 2, còn lại là mận loại 3 và 4.

Đến thời điểm này, mận Sơn La đã cơ bản đảm bảo tiêu thụ, với những địa phương có thương hiệu mận, loại mận chất lượng tốt vẫn bán được giá tương đối tốt; tình trạng rớt giá, khó tiêu thụ chỉ xảy ra cục bộ ở một số nơi vì mận chất lượng thấp, hoặc những loại mận kém bị lọc ra. Theo nhận định, việc tiêu thụ gần 16% sản lượng mận còn lại là không đáng ngại, khi cuối vụ, sản lượng còn ít, ở một số nơi như Yên Châu, giá mận đang có xu hướng nhích lên, mang tín hiệu vui cho người nông dân.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới